Thứ Ba, 20 tháng 12, 2022

sám hối, hồi hướng, ca ngợi phật trong kinh Hoa nghiêm, 8 mục

A.SÁM HỐI NGHIỆP CHƯỚNG

 Lại này thiện nam tử!

Nói "Sám hối nghiệp chướng" là như vầy:

 Bồ Tát tự nghĩ rằng:

Tôi từ vô thỉ kiếp về qúa khứ, do lòng tham lam, giận dữ, ngu si khiến thân, khẩu, ý tạo vô lượng vô biên nghiệp ác.

 Nếu các nghiệp ác này mà có hình tướng, thì khắp cõi hư không cũng chẳng thể đựng chứa hết được.

Nay tôi đem trọn cả ba nghiệp trong sạch đối trước các đức Phật và chúng Bồ Tát khắp cực vi trần cõi nước trong Pháp giới, thành tâm sám hối,

 về sau không tái phạm nữa, thường an trụ nơi giới pháp trong sạch đầy đủ công đức lành.

Như vậy hư không giới cùng tận, chúng sanh giới cùng tận.

Chúng sanh nghiệp cùng tận.

Chúng sanh phiền não cùng tận, thì sự sám hối của tôi mới cùng tận,

nhưng hư không giới cho đến chúng sanh phiền não chẳng cùng tận,

nên sự sám hối của tôi đây cũng không cùng tận,

Niệm niệm nối luôn không hở.

Thân, khẩu, ý ba nghiệp không hề nhàm mỏi.

(Phẩm 40, kinh Hoa Nghiêm)

B. CA TỤNG PHẬT:

Tất cả mười phương những quốc-độ

Trong một sát-na đều nghiêm-tịnh

Dùng diệu-âm-thinh chuyển pháp-luân

Cùng khắp thế-gian không gì sánh.

--

Như-Lai cảnh-giới vô-biên-tế

Nhứt niệm pháp-giới đều đầy đủ

Trong mỗi vi-trần lập đạo-tràng

Đều chứng bồ-đề hiện thần biến.

--

Thế-Tôn ngày trước tu các hạnh

Trải qua trăm ngàn vô-lượng kiếp

Tất cả Phật-độ đều trang-nghiêm

Vô-ngại như không thường xuất hiện.

--

Thần-thông của Phật không hạn lượng

Sung-mãn vô-biên tất cả kiếp

Giả-sử trải qua vô-lượng kiếp

Niệm niệm quan-sát không nhàm mỏi.

--

Nên quan-sát Phật cảnh thần-thông

Thập phương quốc-độ đều nghiêm tịnh

Tất cả nơi đây đều hiện tiền

Niệm niệm chẳng đồng vô-lượng thứ.

--

Xem Phật trăm ngàn vô-lượng kiếp

Chẳng hết một lông nơi thân Phật

Phương-tiện vô-ngại của Như-Lai

Phật quang chiếu khắp vô-lượng cõi.

--

Kiếp xưa Đức Phật ở thế-gian

Kính thờ chư Phật vô-biên số

Do đây đại chúng như sông đổ

Đều đến cúng-dường biển Thế-Tôn.

--

Như-Lai xuất hiện khắp mười phương

Trong mỗi vi-trần vô-lượng cõi

Vô-lượng cảnh-giới đều hiện ra

Đều trụ vô-biên vô-tận-kiếp.

--

Phật trong nhiều kiếp vì chúng-sanh

Tu tập vô-biên đại-bi hạnh

Tùy thuận chúng-sanh vào thế-gian

Giáo hóa chúng hội khiến thanh-tịnh.

--

Phật trụ chơn-như pháp-giới tạng

Vô tướng vô hình không cấu nhiễm

Chúng-sanh xem thấy được Phật thân

Tất cả khổ nạn đều tiêu diệt.

--

 (Phẩm 1, kinh Hoa Nghiêm)

C. TÂM BỒ ĐỀ:

-Vì TÂM BỒ ĐỀ như chủng tử, có thể sanh tất cả Phật pháp.

BỒ ĐỀ TÂM như ruộng tốt, vì có thể sanh trưởng bạch tịnh pháp cho tất cả chúng sanh.

Bồ đề tâm như đại địa, vì có thể giữ gìn tất cả thế gian.

Bồ đề tâm như tịnh thủy, vì có thể rửa sạch phiền não nhơ nhớp.

Bồ đề tâm như gió lớn, vì vô ngại khắp ở thế gian.

Bồ đề tâm như lửa mạnh, vì có thể đốt tiêu củi kiến chấp.

Bồ đề tâm như tịnh nhựt, vì chiếu khắp tất cả thế gian.

Bồ đề tâm như mặt nguyệt sáng, vì những pháp bạch tịnh đều viên mãn.

Bồ đề tâm như đèn sáng, vì có thể phóng những pháp quang minh.

Bồ đề tâm như mắt sáng, vì thấy khắp tất cả chỗ an nguy.

Bồ đề tâm dường như con đường lớn, vì dẫn vào thành đại trí.

Bồ đề tâm như con đường chánh, vì làm cho rời khỏi tà pháp.

Bồ đề tâm như cỗ xe lớn, vì có thể chuyên chở chư Bồ tát.

Bồ đề tâm như cửa nẻo, vì khai thị tất cả hạnh Bồ tát.

Bồ đề tâm như cung điện, vì an trụ tu tập pháp tam muội.

Bồ đề tâm như khu vườn, vì ở trong đó dạo chơi hưởng pháp lạc.

Bồ đề tâm như nhà cửa, vì an ổn tất cả chúng sanh.

Bồ đề tâm là chỗ về, vì lợi ích tất cả thế gian.

Bồ đề tâm là chỗ dựa, vì là điểm tựa của những Bồ tát hạnh.

Bồ đề tâm như từ phụ, vì dạy dỗ tất cả chư Bồ tát.

Bồ đề tâm như từ mẫu, vì sanh trưởng tất cả Bồ tát.

Bồ đề tâm như nhũ mẫu, vì dưỡng dục tất cả chư Bồ tát.

Bồ đề tâm như thiện hữu, vì thành tựu lợi ích cho chư Bồ tát.

Bồ đề tâm như vua chúa, vì vượt hơn tất cả hàng Nhị thừa.

Bồ đề tâm như đế vương, vì được tự tại trong tất cả nguyện.

Bồ đề tâm như đại hải, vì tất cả công đức đều vào trong đó.

Bồ đề tâm như núi Tu Di, vì bình đẳng nơi tâm các chúng sinh.

Bồ đề tâm như Thiết Vi, vì nhiếp trì tất cả thế gian.

Bồ đề tâm như Tuyết Sơn, vì sanh lớn tất cả cây thuốc trí huệ.

Bồ đề tâm như Hương Sơn, vì xuất sanh tất cả hương công đức.

Bồ đề tâm như hư không, vì những diệu công đức rộng vô biên.

Bồ đề tâm như liên hoa, vì chẳng nhiễm tất cả pháp thế gian.

Bồ đề tâm như voi thông minh thuần thục, vì tâm ấy thuận lành chẳng ngang trái.

Bồ đề tâm như ngựa hiền hay, vì xa lìa tất cả những tánh ác.

Bồ đề tâm như điều ngự sư, vì thủ hộ tất cả pháp Đại thừa.

Bồ đề tâm như thuốc hay, vì trị được tất cả bịnh phiền não.

 

Bồ đề tâm như hố sâu, vì có thể làm sụp đổ tất cả những ác pháp.

Bồ đề tâm như kim cang, vì đều có thể xuyên thấu tất cả các pháp.

Bồ đề tâm như trấp hương, vì có thể đựng tất cả hương công đức.

Bồ đề tâm như diệu hoa, vì tất cả thế gian đều ưa thấy.

Bồ đề tâm như bạch chiên đàn, vì trừ những nóng tham dục làm cho mát mẻ.

Bồ đề tâm như hắc trầm hương, vì có thể xông khắp pháp giới.

 

Bồ đề tâm như Thiện kiến dược vương, vì phá được tất cả bịnh phiền não.

Bồ đề tâm như thuốc Tỳ cấp ma, vì nhổ được tất cả hoặc tiển.

Bồ đề tâm như Đế Thích, vì là tối tôn trong tất cả vua chúa.

Bồ đề tâm như Tỳ sa môn, vì dứt được tất cả khổ nghèo cùng.

Bồ đề tâm như Công Đức Thiên, vì trang nghiêm với tất cả công đức.

 

Bồ đề tâm như đồ trang nghiêm, vì trang nghiêm tất cả chư Bồ tát.

Bồ đề tâm như kiếp hỏa đốt cháy, vì có thể cháy tiêu tất cả hữu vi.

Bồ đề tâm như thuốc vô sanh căn, vì trưởng dưỡng tất cả Phật pháp.

Bồ đề tâm như long châu, vì tiêu được tất cả độc phiền não.

 

Bồ đề tâm như thủy thanh châu, vì có thể thanh tất cả phiền não trược.

Bồ đề tâm như châu như ý, vì châu cấp cho tất cả kẻ nghèo thiếu.

Bồ đề tâm như bình công đức, vì làm cho tâm chúng sanh được thỏa mãn.

Bồ đề tâm như cây như ý, vì có thể mưa tất cả đồ trang nghiêm.

 

Bồ đề tâm như áo lông ngỗng, vì chẳng dính bụi sanh tử.

Bồ đề tâm như chỉ bạch điệp, vì bổn lai tánh thanh tịnh.

Bồ đề tâm như lưỡi cày bén, vì có thể dọn tất cả ruộng chúng sanh.

Bồ đề tâm như Na la diên, vì có thể dẹp tất cả kẻ địch ngã kiến.

Bồ đề tâm như mũi tên đi mau, vì phá được tất cả đích khổ.

 

Bồ đề tâm như ngọn mâu nhọn, vì có thể xuyên thủng giáp phiền não.

Bồ đề tâm như giáp cứng, vì có thể hộ tâm như lý.

Bồ đề tâm như dao bén, vì có thể chặt tất cả đầu phiền não.

Bồ đề tâm như gươm bén, vì có thể chặt đứt tất cả giáp kiêu mạn.

Bồ đề tâm như dũng tướng tràng, vì có thể dẹp phục tất cả ma quân.

 

Bồ đề tâm như cưa bén, vì có thể cưa đứt tất cả cây vô minh.

Bồ đề tâm như búa bén, vì có thể chặt những cây khổ.

Bồ đề tâm như binh khí, vì có thể đề phòng nạn khổ.

Bồ đề tâm như cánh tay giỏi, vì phòng hộ tất cả những pháp độ thân.

Bồ đề tâm như đôi chân tốt, vì an lập tất cả những công đức.

 

Bồ đề tâm như thuốc chữa mắt, vì diệt trừ tất cả bịnh lòa vô minh.

Bồ đề tâm như kìm nhiếp, vì có thể nhổ tất cả gai thân kiến.

Bồ đề tâm như ngọa cụ, vì dứt trừ những lao khổ sanh tử.

Bồ đề tâm như thiện tri thức, vì có thể mở tất cả dây trói sanh tử.

Bồ đề tâm như tài bửu, vì trừ tất cả sự nghèo cùng.

Bồ đề tâm như đại đạo sư, vì khéo biết đạo xuất yếu của Bồ tát.

Bồ đề tâm như phục tạng, vì xuất sanh của công đức không thiếu.

Bồ đề tâm như nước suối trào, vì sanh nước trí huệ không cùng tận.

Bồ đề tâm như gương sáng, vì hiện khắp tất cả tượng pháp môn.

Bồ đề tâm dường như liên hoa, vì chẳng nhiễm tất cả tội cấu.

Bồ đề tâm như sông lớn, vì chảy dẫn ra tất cả nhiếp pháp độ pháp.

Bồ đề tâm như đại Long vương, vì có thể mưa tất cả diệu pháp.

Bồ đề tâm dường như mạng căn, vì nhậm trì thân đại bi của Bồ tát.

Bồ đề tâm như cam lộ, vì có thể làm cho an trụ nơi cõi bất tử.

Bồ đề tâm như tấm lưới lớn, vì nhiếp khắp tất cả những chúng sanh.

Bồ đề tâm như lưới chài, vì nhiếp lấy tất cả kẻ đáng được hóa độ.

Bồ đề tâm như câu mồi, vì bắt những kẻ ở trong vực hữu lậu.

*Bồ đề tâm như thuốc A GIÀ ĐÀ, vì có thể làm cho người VÔ BỊNH, VĨNH VIỄN ĐƯỢC AN ỔN.

Bồ đề tâm như THUỐC TRỪ ĐỘC, vì có thể tiêu hết ĐỘC THAM ÁI.

Bồ đề tâm như người trì chú giỏi, vì có thể trừ tất cả độc điên đảo.

Bồ đề tâm như gió mạnh, vì có thể thổi cuốn tất cả sương mù che chướng.

Bồ đề tâm như xứ châu bửu, vì xuất sanh tất cả báu giác phần.

 

Bồ đề tâm như chủng tánh tốt, vì xuất sanh tất cả pháp bạch tịnh.

Bồ đề tâm như nhà ở, vì là chỗ ở của những pháp công đức.

Bồ đề tâm như thị tứ, vì là chỗ đổi chác của thương gia Bồ tát.

Bồ đề tâm như thuốc luyện vàng, vì có thể trị tất cả cặn phiền não.

 

Bồ đề tâm như mật tốt, vì viên mãn tất cả vị công đức.

Bồ đề tâm như chánh đạo, vì khiến chư Bồ tát vào trí thành.

Bồ đề tâm như chậu tốt, vì có thể đựng tất cả pháp bạch tịnh.

Bồ đề tâm như mưa phải thời, vì có thể trừ tất cả bụi phiền não.

Bồ đề tâm là chỗ ở, vì là chỗ ở của tất cả Bồ tát.

Bồ đề tâm là hạnh vô tận, vì chẳng chứng lấy quả giải thoát của Thanh văn.

Bồ đề tâm như tịnh lưu ly, vì tự tánh sáng sạch không nhơ.

Bồ đề tâm như châu đế thanh, vì hơn hẳn trí của thế gian và Nhị thừa.

Bồ đề tâm như tiếng trống tan canh, vì đánh thức chúng sanh say ngủ bởi phiền não.

Bồ đề tâm như nước trong sạch, vì tánh vốn thuần sạch không nhơ đục.

Bồ đề tâm như vàng diêm phù đàn, vì che chói tất cả pháp lành hữu vi.

Bồ đề tâm như đại sơn vương, vì siêu xuất tất cả thế gian.

Bồ đề tâm là chỗ về, vì chẳng chối từ tất cả ai trở về.

Bồ đề tâm là nghĩa lợi, vì có thể trừ tất cả sự suy não.

Bồ đề tâm là diệu bửu, vì có thể làm cho tất cả tâm sanh hoan hỷ.

Bồ đề tâm như hội đại thí, vì sung mãn tất cả tâm chúng sanh.

Bồ đề tâm là tôn thắng, vì tâm chúng sanh không tâm nào bằng.

Bồ đề tâm như phục tạng, vì có thể nhiếp tất cả Phật pháp.

Bồ đề tâm như lưới nhơn đà la, vì có thể phục A tu la phiền não.

Bồ đề tâm như gió bà lâu la, vì có thể chấn động những kẻ đáng được hóa độ.

Bồ đề tâm như lửa nhơn đà la, vì có thể đốt cháy tất cả hoặc tập.

Bồ đề tâm như Phật chi đề, vì tất cả thế gian nên cúng dường.

 (Kinh Hoa Nghiêm, phẩm 39)

D.NGUYỆN VÃNG SANH TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC:

Nguyện tôi lúc mạng sắp lâm chung

Trừ hết tất cả các chướng ngại

Tận mặt gặp Phật A Di Đà

Liền được vãng sanh cõi Cực Lạc,

--

Tôi đã vãng sanh cõi kia rồi

Hiện tiền thành tựu nguyện lớn này

Cả thảy tròn đủ không thừa thiếu

Lợi lạc tất cả các chúng sanh.

--

Chúng hội Di Đà đều thanh tịnh

Tôi từ hoa sen nở sinh ra

Thân thấy đức Phật Vô Lượng Quang

Liền thọ ký tôi đạo Bồ Đề.

--

Nhờ đức Phật kia thọ ký rồi

Tôi hóa vô số vạn ức thân

Trí huệ rộng lớn khắp mười phương

Khắp lợi tất cả chúng sanh giới.

--

Nhẫn đến hư không thế giới tận

Chúng sanh, nghiệp và phiền não tận

Nhưng bốn pháp ấy không cùng tận

Nguyện tôi rốt ráo hằng vô tận

--

Cõi nước vô biên khắp mười phương

Trang nghiêm các báu cúng dường Phật

Sắm đồ an lạc thí trời người

Trải kiếp vi trần luôn cúng thí,

--

Nếu có người nơi nguyện vương này

Một phen nghe liền sanh tín kính

Mong cầu khát ngưỡng quả Bồ Đề

Được công đức nhiều hơn tài thí.

--

Nhờ đây thường xa các bạn ác

Thoát khỏi tất cả ba đường dữ

Mau thấy đức Phật Vô Lượng Quang.

Đầy đủ nguyện Phổ Hiền tối thắng.

--

Người này được thọ mạng lâu dài

Trong loài người ở bậc tôn quý

Người này không lâu sẽ trọn nên

Công hạnh như Phổ Hiền Bồ Tát.

--

Ngày trước đó vì không trí huệ

Tạo ra năm nghiệp vô gián ác

Chuyên tụng nguyện vương Phổ Hiền này

Tất cả tội ác mau tiêu diệt.

 (Phẩm 40, kinh Hoa Nghiêm)

E. TAM  TỰ QUY Y :

-Tự quy y Phật, nên nguyện chúng sanh, nối thạnh Phật chủng, phát tâm vô thượng.

-Tự quy y Pháp, nên nguyện chúng sanh, sâu vào kinh tạng, trí huệ như biển.

-Tự quy y Tăng, nên nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, tất cả vô ngại.

(Phẩm 11, kinh Hoa Nghiêm)

F. MƯỜI NGUYỆN VƯƠNG CỦA PHỔ HIỀN BỒ TÁT:

 -Một là kính lễ các đức Phật.

 -Hai là khen ngợi đức Như Lai.

 -Ba là rộng sắm đồ cúng dường.

 -Bốn là sám hối các nghiệp chướng.

 -Năm là tùy hỉ các công đức.

 -Sáu là thỉnh đức Phật thuyết pháp.

 -Bảy là thỉnh đức Phật ở lại đời.

 -Tám là thường học tập theo Phật.

 -Chín là hằng thuận lợi chúng sanh.

 -Mười là hồi hướng khắp tất cả.

(Phẩm 40, kinh  Hoa Nghiêm)

G. MỘT TRONG 52 VỊ THẦY CỦA THIỆN TÀI ĐỒNG TỬ:

1. Đức Vân tỳ kheo:

Thấy xong, Thiện Tài đồng tử liền đến đảnh lễ chân Tỳ Kheo Đức Vân, hữu nhiễu ba vòng cung kính đứng trước Đức Vân mà bạch rằng:

Bạch Đức Thánh! Tôi đã phát tâm Vô thượng Bồ đề, mà chưa biết Bồ Tát phải học Bồ Tát hạnh thế nào?

Phải tu Bồ Tát hạnh thế nào?

Nhẫn đến phải thế nào để được mau viên mãn hạnh Phổ Hiền?

Tôi nghe đức Thánh khéo có thể dạy bảo, mong đức Thánh thương xót dạy cho tôi thế nào Bồ Tát được thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

--

Đức Vân Tỳ Kheo bảo Thiện Tài đồng tử rằng:

Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử !

Ngươi đã phát tâm Vô thượng Bồ đề, lại có thể hỏi hạnh của Bồ Tát. Việc như vậy là sự khó trong những sự khó.

Những là cầu Bồ Tát hạnh, cầu Bồ Tất cảnh giới, cầu đạo xuất ly của Bồ Tát, cầu đạo thanh tịnh của Bồ Tát, cầu tâm thanh tịnh quảng đại của Bồ Tát, cầu Bồ Tát thành tựu thần thông,

cầu Bồ Tát thị hiện môn giải thoát, cầu Bồ Tát thị hiện việc làm tại thế gian, cầu Bồ Tát tùy thuận tâm của chúng sanh, cầu môn sanh tử Niết bàn của Bồ Tát, cầu Bồ Tát quán sát hữu vi vô vi tâm không chấp trước.

Này thiện nam tử! Ta được sức thắng giải tự tại quyết định, tín nhãn thanh tịnh, trí quang chói sáng, thấy khắp các cảnh giới khỏi tất cả chướng ngại, quán sát khéo léo, phổ nhãn sáng suốt, đủ hạnh thanh tịnh.

Qua đến tất cả cõi nước mười phương cung kính cúng dường tất cả chư Phật. Thường nhớ tất cả chư Phật Như Lai.

Tổng trì tất cả chánh pháp của chư Phật. Thường thấy tất cả chư Phật mười phương.

 

Những là thấy phương Đông một đức Phật, hai đức Phật, mười đức Phật, trăm đức Phật, ngàn đức Phật, ức đức Phật, trăm ức đức Phật, ngàn ức đức Phật, trăm ngàn ức đức Phật,

na do tha ức đức Phật, trăm na do tha ức đức Phật, ngàn na do tha ức đức Phật, trăm ngàn na do tha ức đức Phật,

nhẫn đến thấy vô số, vô lượng, vô biên vô đẳng, bất khả sổ, bất khả xưng, bất khả tư, bất khả lượng,

bất khả thuyết, bất khả thuyết bất khả thuyết đức Phật.

Nhẫn đến thấy chư Phật bằng số vi trần trong Diêm Phù Đề, bằng số vi trần trong bốn châu thiên hạ, bằng số vi trần trong Tiểu thiên thế giới, bằng số vi trần trong nhị thiên thế giới bằng số vi trần trong Đại Thiên thế giới, bằng số Phật sát vi trần nhẫn đến thấy chư Phật bằng số bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát vi trần.

Như phương đông, chín phương kia cũng đều thấy như vậy.

Chư Phật trong mỗi phương, những sắc tướng, những hình mạo, những thần thông, những du hí, những chúng hội trang nghiêm đạo tràng, những quang minh chiếu sáng vô biên, những quốc độ, những thọ mạng.

Tùy những tâm sở nghi của chúng sanh mà chư Phật thị hiện những môn thành Đẳng Chánh Giác, làm sư tử hống trong đại chúng.

Này thiện nam tử! Ta chỉ được pháp môn "ỨC NIỆM NHỨT THIẾT CHƯ PHẬT CẢNH GIỚI TRÍ HUỆ QUANG MINH PHỔ KIẾN" này thôi.

Đâu biết hết được vô biên trí huệ thanh tịnh hạnh môn của đại Bồ Tát.

Những là: Trí quang phổ chiếu niệm Phật môn, vì thường thấy tất cả chư Phật quốc độ những cung điện đều trang nghiêm thanh tịnh.

Môn làm cho tất cả chúng sanh niệm Phật, vì tùy sở nghi của tâm chúng sanh đều làm cho họ được thấy Phật.

Tâm họ được thanh tịnh.

Môn làm cho an trụ nơi lực niệm Phật, vì làm cho họ nhập vào thập lực của Như Lai.

Môn làm cho an trụ nơi pháp niệm Phật, vì thấy vô lượng Phật được nghe pháp.

Môn niệm Phật chói sáng các phương, vì đều thấy trong tất cả thế giới chư Phật bình đẳng không sai biệt.

Môn niệm Phật vào chỗ bất khả kiến, vì đều thấy trong tất cả cảnh vi tế những sự thần thông tự tại của chư Phật.

Môn niệm Phật an trụ trong các kiếp, vì trong tất cả kiếp thường thấy những việc làm không tạm bỏ của chư Phật.

Môn niệm Phật an trụ trong tất cả thời gian, vì trong tất cả thời gian thường thấy đức Như Lai gần gủi đồng ở chẳng rời bỏ. 

Môn niệm Phật an trụ tất cả cõi, vì tất cả quốc độ đều thấy thân Phật vượt hơn tất cả không gì sánh bằng.

Môn niệm Phật an trụ tất cả đời, vì tùy tâm sở thìch thấy khắp tam thế chư Phật.

Môn niệm Phật an trụ tất cả cảnh, vì ở khắp trong tất cả cảnh giới thấy chư Như Lai thứ đệ xuất hiện.

Môn niệm Phật an trụ tịch diệt, vì trong một niệm thấy tất cả cõi, tất cả chư Phật thị hiện Niết bàn.

Môn niệm Phật an trụ viễn ly, vì trong một niệm thấy tất cả Phật từ nơi chỗ ở mà ra đi.

Môn niệm Phật an trụ quảng đại, vì tâm thường quán sát mỗi thân Phật đầy khắp tất cả pháp giới.

Môn niệm Phật an trụ vi tế, vì trong một chân lông có bất khả thuyết Như Lai xuất hiện, đều đến chỗ Phật ma kính thờ. 

Môn niệm Phật an trụ trang nghiêm, vì trong một niệm thấy tất cả cõi đều có chư Phật thành Đẳng Chánh Giác hiện thần biến.

Môn niệm Phật an trụ năng sự, vì thấy tất cả Phật xuất hiện thế gian, phóng trí huệ quang chuyển diệu pháp luân.

Môn niệm Phật trụ tâm tự tại, vì biết tùy theo sở thích của tự tâm, tất cả chư Phật hiện hình tượng.

Môn niệm Phật an trụ nơi tự nghiệp, vì biết tùy nghiệp tích tập của chúng sanh mà hiện hình tượng làm cho họ được giác ngộ.

Môn niệm Phật an trụ thần biến, vì thấy liên hoa quảng đại của Phật ngự nở xòe khắp pháp giới.

Môn niệm Phật an trụ hư không vì quán sát những thân Như Lai trang nghiêm pháp giới hư không giới.

Như vậy ta làm sao biết được nói được những công đức hạnh của đại Bồ Tát.

Này thiện nam tử!

Phương Nam có một nước tên là Hải Môn, nơi đó có Tỳ Kheo tên là HẢI VÂN.

Ngươi đến hỏi Hải Vân rằng Bồ Tát thế nào học BỒ TÁT HẠNH, tu BỒ TÁT ĐẠO?

Hải Vân Tỳ Kheo có thể phân biệt nói nhơn duyên phát khởi thiện căn quảng đại.

Này thiện nam tử! Hải Vân Tỳ Kheo sẽ làm cho ngươi nhập ngôi trợ đạo quảng đại,

sẽ làm cho ngươi sanh sức thiện căn quảng đại,

sẽ vì ngươi mà nói nhơn duyên phát tâm Bồ đề,

sẽ làm cho ngươi sanh quang minh đại thừa quảng đại,

sẽ làm cho ngươi tu ba la mật quảng đại,

sẽ làm cho ngươi nhập những hạnh hải quảng đại, sẽ làm cho ngươi viên mãn thệ nguyện quảng đại,

sẽ làm cho ngươi tịnh môn trang nghiêm quảng đại, sẽ làm cho ngươi sanh sức từ bi quảng đại.

Lúc đó Thiện Tài đồng tử đảnh lễ chân Đức Vân Tỳ Kheo, hữu nhiễu quán sát, từ tạ mà đi.

(Phẩm 39, kinh Hoa Nghiêm)

G. HẰNG THUẬN LỢI CHÚNG SANH:

 Lại này thiện nam tử!

"Nói "Hằng thuận lợi chúng sanh" là như vầy:

Bao nhiêu chúng sanh sai khác trong tất cả cõi ở mười phương pháp giới, hư không giới.

Chính là những loài noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh, các loài nương nơi chất tứ đại mà sanh, có giống nương nơi hư không cùng cây cỏ mà sanh.

Các giống sanh loại: Các thứ sắc thân, các thứ hình trạng, các thứ tướng mạo, các thứ thọ lượng, các thứ tộc loại, các thứ danh hiệu, các thứ tâm tánh, các thứ tri kiến, các thứ dục lạc, các thứ ý hành, các thứ oai nghi, các thứ y phục, các thứ ăn uống, ở trong các thôn dinh, thành ấp, cung điện,

nhẫn đến tất cả Thiên, Long, Bát Bộ, Nhơn, Phi Nhơn v.v...

Loài không không chân, loài hai chân, bốn chân, nhiều chân, loài có hình sắc, loài không có hình sắc, loài có tâm tưởng, loài không có tâm tưởng, loài chẳng phải có tâm tưởng chẳng phải không tâm tưởng.

Các loài như vậy, tôi đều tùy thuận tất cả mà thật hành các sự vâng thờ, cúng dường, như kính cha mẹ, như thờ bậc  thầy, cùng A La Hán, nhẫn đến như đức Như Lai đồng nhau không khác.

Trong các loài ấy, nếu là kẻ có bịnh thì tôi vì họ mà làm lương y.

Nếu ai bị lạc đường, thì tôi vì họ mà chỉ cho con đường chánh.

Nơi đêm tối, tôi vì họ mà làm ngọn đuốc sáng.

Người nghèo thiếu, tôi làm cho được của báu.

Bồ Tát bình đẳng lợi ích cho chúng sanh như vậy.

 Vì sao thế?

Vì Bồ Tát nếu có thể tùy thuận chúng sanh, thì chính là tùy thuận cúng dường các đức Phật.

Còn tôn trọng và thừa sự chúng sanh thì chính là tôn trọng và thừa sự các đức Như Lai.

Nếu làm cho chúng sanh vui mừng thì chính là làm cho tất cả đức Như Lai vui mừng.

Vì sao thế? Vì các đức Như Lai dùng tâm đại bi mà làm thể.

Nhơn nơi chúng sanh mà sanh lòng đại bi, nhơn lòng đại bi mà phát tâm bồ đề, nhơn vì nơi tâm bồ đề mà thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

 Ví như giữa chốn sa mạc có cây thọ vương to lớn.

Nơi gốc cây ấy được nước rưới nhuần, thì cành lá hoa quả thảy đều sum suê tươi tốt.

Cây thọ vương Bồ đề ở chốn sa mạc sanh tử rộng lớn cũng như vậy: Tất cả chúng sanh là gốc rễ. Bồ Tát là hoa. Phật là quả.

Dùng nước đại bi đượm nhuần gốc rễ chúng sanh thì có thể trổ bông Bồ Tát trí huệ, kết thành quả Phật toàn giác.

Vì sao thế? Bởi các Bồ Tát dùng nước đại bi làm lợi ích chúng sanh, thì có thể thành tựu quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Cho nên quả Bồ Đề thuộc về chúng sanh.

**Vì nếu không có chúng sanh, tất cả Bồ Tát trọn không thể thành đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

 Này thiện nam tử! Ông ở nơi nghĩa ấy nên hiểu như thế.

 Bởi đối với chúng sanh mà tâm bình đẳng thì có thể sanh lòng đại bi đầy đủ hoàn toàn.

Dùng tâm đại bi mà tùy thuận chúng sanh thì có thể thành tựu pháp cúng dường Như Lai.

Bồ Tát tùy thuận chúng sanh như thế ấy.

Cõi hư không cùng tận. Cõi chúng sanh cùng tận. Nghiệp chúng sanh cùng tận.

Phiền não chúng sanh cùng tận, sự tùy thuận chúng sanh của tôi vẫn không cùng tận.

Niệm niệm nối luôn không hở.

Thân, khẩu, ý ba nghiệp không hề nhàm mỏi.

(Phẩm 40, kinh Hoa Nghiêm)

H. HỒI HƯỚNG KHẮP TẤT CẢ:

Lại này thiện nam tử!

"Nói "Hồi hướng khắp tất cả" là như vầy:

Từ sự lễ kính ban đầu nhẫn đến tùy thuận có bao nhiêu công đức, thảy đều đem hồi hướng cho tất cả chúng sanh khắp trong hư không pháp giới.

Nguyện cho tất cả chúng sanh thường được an lạc, không các bịnh khổ, muốn thật hành pháp ác thảy đều không thành, còn tu nghiệp lành thì đều mau thành tựu.

Đóng chặt cửa của tất cả các ác thú, mở bày đường chánh Nhơn Thiên Niết Bàn.

Nếu các chúng sanh nhơn vì trước kia chứa nhóm các nghiệp ác nên chiêu cảm tất cả quả rất khổ, tôi đều chịu thế cho, khiến chúng sanh đều được giải thoát.

Rốt ráo thành tựu quả Vô Thượng Bồ Đề.

Bồ Tát tu hạnh hồi hướng như vậy.

Cõi hư không cùng tận, cõi chúng sanh cùng tận, nghiệp chúng sanh cùng tận.

Phiền não chúng sanh cùng tận, sự hồi hướng của tôi vẫn không cùng tận.

Niệm niệm nối luôn không hở.

Thân, khẩu, ý ba nghiệp không hề nhàm mỏi.

 Này thiện nam tử!

Ấy là mười điều nguyện lớn đầy đủ viên mãn của đại Bồ Tát.

Nếu các vị Bồ Tát ở nơi mười điều nguyện lớn này mà tùy thuận tu hành, thì có thể thuần phục tất cả chúng sanh,   thì có thể tùy thuận đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì có thể trọn đủ các hạnh nguyện hải của ngài Phổ Hiền Bồ Tát.

Này thiện nam tử!

Do cớ ấy ở nơi các nghĩa trên đây ông nên hiểu biết như vậy.

(Phẩm 40, kinh Hoa Nghiêm)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét