Thứ Tư, 5 tháng 4, 2023

BÁC SỬU NIỆM PHẬT, ĐỌC KINH, TRÌ CHÚ MÀ VÃNG SANH

~(Niệm Phật Di Đà, đọc kinh Hoa Nghiêm phẩm 40, trì chú Tỳ Lô Giá Na)~




 

 


~(Niệm Phật Di Đà, đọc kinh Hoa Nghiêm phẩm 40, trì chú Tỳ Lô Giá Na)~



Bác Sửu sinh năm 1942, bị ung thư đại tràng.

Tuy bị ung thư nhưng tinh thần bác vẫn rất lạc quan, không u sầu, không xuống tinh thần, ảm đạm.
Bác sợ làm chồng con lo lắng, bất an.
Chồng bác Sửu lớn hơn bác 4 tuổi nhưng cũng đã bị lãng tai và quên nhiều thứ, lưng đã bị còng.

Năm 2019 thì bác Sửu được 77 tuổi, bác trai đã 81 tuổi.

Bác Sửu và con gái đã quy y ở chùa Vạn Đức ( Thủ Đức) của hòa thượng Trí Tịnh, nên hai mẹ con theo pháp môn Tịnh Độ, thường xuyên tham gia các khóa tu niệm Phật, đọc kinh Pháp Hoa hoặc kinh Phổ Hiền ở chùa này.

Thực ra, tuy gọi là kinh Phổ Hiền nhưng nó chính là phẩm 40, “ Hạnh, nguyện Phổ Hiền” trong bộ kinh Hoa Nghiêm.

Phẩm 40- kinh Hoa Nghiêm này chỉ dài khoảng hai mươi mấy trang, tương đương hơn 5,000 từ thôi, nhưng rất hay và là phẩm kinh quy hướng về vãng sanh cõi Cực Lạc Tây phương của A Di Đà Phật.

Do đó, nhiều vị sư, nhiều Phật tử trong nước và cả Phật tử nước ngoài như Singapore, Malaysia, Trung Quốc... lâu nay đã phát tâm học thuộc lòng phẩm kinh tuyệt vời này và tụng đọc nó mỗi ngày để quy hướng Vãng sanh Cực Lạc.
----
Từ ngày đi khám và có kết luận bị ung thư đại tràng thì bác Sửu và con gái hầu như chỉ ở nhà đọc kinh, niệm Phật, mở máy niệm Phật 24/24, chứ hầu như hai mẹ con không đi chùa được nữa.
Bác Sửu nằm viện một thời gian.
Sau đó bác sỹ trả về, nhưng về nhà thì bác lại thấy khỏe hơn.
Gia đình ai cũng mừng vui vì tưởng là bà, mẹ của mình sẽ lành bệnh.
Con gái của bác là chị San thấy mẹ đau đớn nên rất xót xa.
Chị San khi rảnh việc là lấy xâu chuỗi 108 hạt ra lần và niệm “Nam mô A Di Đà Phật”.
Rồi chị San đọc to phẩm 40,” Hạnh, nguyện Phổ Hiền” trong bộ kinh Hoa Nghiêm cho bác Sửu nghe.
Tối thì con rể bác Sửu là anh Dương- cũng là chồng của chị San- đi làm về thì cùng với chị San đọc kinh này.
----
Sau đó, hai vợ chồng cùng tụng chú Tỳ Lô Giá Na 108 lượt:

“Án, A Mộ Già. Vĩ Lô Tả Nẵng. Ma Hạ Mẫu Nại Ra. Mạ Nỉ Bát Nạp Mạ. Nhập Phạ Ra Bát Ra Mạt Đa Dã Hồng.”

Anh Dương đề nghị đọc thêm thần chú Tỳ Lô Giá Na 108 lượt, vì anh nghe sư phụ dưới quê kể về hiệu nghiệm bất ngờ của thần chú Tỳ Lô Giá Na trong việc chuyển biến những trường hợp trùng tang hoặc những cái chết xấu như tự tử, chết đuối, chết cháy, tai nạn thảm khốc… đều được vãng sanh về cõi Phật, nếu ta trì tụng thần chú Tỳ Lô Giá Na.
--
Những lúc này bác Sửu cũng nhép miệng đọc theo.
Bác nói với chị San là :

“ Khi con đọc kinh, trì chú, niệm Phật thì mẹ đỡ đau hơn. Chứ bình thường rất đau.”

Nghe vậy, chị San càng cố gắng đọc to và đọc nhiều, tụng niệm nhiều kinh, thần chú hơn nữa.

Với mong muốn thiết tha là mẹ mình sẽ khỏi bệnh để sum vầy với con cháu.
Hễ rảnh một chút là chị San bắt đầu đọc kinh, niệm Phật, trì thần chú để mẹ bớt đau đớn.
Còn bác Sửu thì mấp máy môi đọc theo.

Chị San kể lại là khoảng 1 tuần trước khi mất thì bác Sửu tự nhiên trở nên ít đau đớn hơn trước đó.
Mặt bác tươi tỉnh hơn. Bác ăn uống tốt hơn nhưng lại đòi :”Chuẩn bị áo tràng giặt sạch cho mẹ”.
Trong nhà ai cũng phấn khởi, vui mừng vì tưởng bác Sửu sắp lành bệnh rồi.
--
Sáng hôm đó là ngày thứ Năm, bác Sửu tự nhiên dậy sớm, bước vào nhà tắm để tắm gội.
Chứ không đợi chị San giúp như mọi lần, bác thay quần áo mới, mặc áo tràng bên ngoài.
Bác viết giấy dặn dò chị San về cuốn sổ tiết kiệm, dặn chị San không cho hai đứa con coi tivi, chơi điện tử quá nhiều.
Rồi bác ngồi ngay ngắn trên giường chắp tay niệm Phật.
Một hồi sau là bác đi luôn.

Chị San thấy mấy bữa nay mẹ mình có vẻ sức khỏe tốt hơn nên chị tính ra đầu hẻm để mua ít thức ăn. Chị mua thức ăn về và khoe :”Hôm nay con sẽ nấu bánh canh chay cho mẹ nè.”

Nhưng nói mãi mà không thấy mẹ đáp lại, chị lại gần coi thì thấy mẹ vẫn ngồi.
Mặt bác Sửu rất rạng rỡ. Mắt bác nhắm lại.

Mặt nhìn hồng hào, không còn u ám, đau đớn như trước đây.
Chị bấm mạch nơi bàn tay thì không thấy nữa, đưa tay lên mũi của mẹ thì thấy không còn hơi thở.
Bác Sửu ngồi an nhiên mà tịch.

Chị San nghe nói nếu ai mà chết đứng, hoặc chết ngồi là thường được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.
Lúc này, chị San cũng hốt hoảng rồi, chị gọi điện cho chồng về và thông báo cho thằng em họ, con của cậu ở gần đó.
Sau đó thì gia đình mang thi hài bác Sửu đi thiêu.
Sau khi thiêu xong, chị San tìm trong đống tro cốt thì cũng thấy 2 viên xá lợi màu xanh ngọc bích có chuyển các sắc thái màu rất đẹp.

1 viên cỡ khoảng 3cm. Còn 1 viên khoảng 4cm.

Chị San trân trọng mua 1 hủ thủy tinh có nắp để bỏ 2 viên xá lợi của mẹ vào và đặt trên bàn thờ của bác Sửu.
Anh Dương -chồng chị thì đề nghị là lấy hai viên xá lợi đó làm mặt dây chuyền cho 2 đứa con đeo nhằm hộ thân, nhưng chị San không chịu.

Từ trường hợp vãng sanh của bác Sửu thì vợ chồng chị San càng có tín tâm vào Tam Bảo và các lời dạy của Phật.
Hai vợ chồng khuyến khích nhau sẽ cùng tu học tinh tấn hơn nữa, chứ không chỉ tập trung vào kiếm tiền, kiếm danh vọng, tranh đua, bon chen... mà phải cùng nhau tu tập nghiêm túc theo những lời Phật dạy.
----
Chị San vốn kín tiếng, không thích ồn ào, ầm ĩ nên việc bác Sửu được vãng sanh thì chị cũng không công bố với ai.

Chị San chỉ kể với một vài người thân trong gia đình để họ thêm tín tâm mà tu hành rốt ráo, nhằm đạt được quả vị tốt.

Hai vợ chồng chị từ đó cũng dành dụm thời gian mà lo tu hành tinh tấn, cùng niệm Phật, trì chú, tụng kinh, làm từ thiện giúp chúng sanh.

Họ bớt thời gian đi vui chơi -giải trí lại, hầu như không còn đi du lịch, shopping, nghỉ dưỡng, tụ họp bạn bè- người thân, hưởng thụ vật chất… nhiều như trước đây nữa, mà dành thời gian để tu tập tinh tấn hơn.

===
Tác giả: DT-MLS

từ diễn đàn đại tạng kinh

------------

Pháp sư VIÊN TỊNH THƯỜNG vãng sanh.
( do niệm Phật và chép phẩm kinh Hoa Nghiêm)

Pháp sư Viên Tịnh Thường sống vào đời Tống, quê ở Tiền Đường, xuất gia từ năm bảy tuổi.

Vào khoảng niên hiệu Thuần Hóa, Đại sư ở chùa Nam Chiêu Khánh, rất mến mộ đạo phong của Đại sư Tuệ Viễn nơi Lô Sơn trước đây.
Ngài phát tâm trích huyết chép một phẩm “Tịnh Hạnh”, trong kinh HOA NGHIÊM để tỏ lòng thành, hồi hướng vãng sinh Tây phương Cực Lạc.

Ngài lập Hội niệm Phật [giống như Đại sư Tuệ Viễn trước đây,] các quan đại phu tham gia vào Hội đều tự xưng là đệ tử Tịnh Hạnh.
Trong số đó, Văn Chính Công Vương Đán là người đứng đầu.
Có lúc, các vị công khanh quan chức tham gia Hội lên đến 120 người, các vị tỳ-kheo nhiều đến cả ngàn người.

Quan Hàn lâm là Tô Dị Giản viết bài tựa cho phẩm kinh Tịnh Hạnh ( trong kinh Hoa Nghiêm), có đoạn rằng:
“Tôi sẵn lòng trải tóc lót dưới chân người, khoét thịt trong thân để cầu được nghe pháp, quyết không từ nan.
Huống gì chút học thức thô lậu cạn cợt này, lẽ nào lại tiếc giữ.”

Vào niên hiệu Thiên Hy năm thứ tư, ngày 12 tháng giêng, ngài đoan nghiêm ngồi niệm Phật.
Không lâu, bỗng ngài nói rằng: “Đức Phật đến rồi.”
Ngài liền an nhiên thị tịch.
---
“AN SĨ TOÀN THƯ
KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT
CẦU SINH TỊNH ĐỘ”
-Nguyên tác: Tây Quy Trực Chỉ
-Chu An Sỹ - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
-Nhà xuất bản Tôn Giáo 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét