Thứ Năm, 16 tháng 3, 2023

THÍCH TRÍ CỰ mộng thấy Phổ Hiền bồ tát khi đọc kinh Hoa Nghiêm

*THÍCH TRÍ CỰ MỘNG THẤY PHỔ HIỀN BỒ TÁT KHI ĐỌC KINH HOA NGHIÊM

THÍCH TRÍ CỰ ở Bắc Đài, sống vào đời Ngụy (386-534)[76]:

Sư họ Lưu, xuất gia từ thuở nhỏ, thờ ngài Đàm Vô Tối[77] làm Thầy. Sư có tư chất thông minh, học vấn uyên bác.

Lúc đầu, Sư đọc kinh Hoa Nghiêm đến mấy mươi lần, nhưng vẫn không hiểu được nghĩa lý, trong lòng vô cùng buồn bã, nên ngày đêm tâm càng chí thành khẩn thiết.

 

Một đêm, Sư mộng thấy bồ tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng, phóng ánh sáng.  Ngài Phổ Hiền đến bảo Sư rằng:

 

– Ông theo ta đi về phương Nam, ta sẽ cho ông thuốc uống để hiểu rõ yếu chỉ kinh văn.

 

Tỉnh mộng, Sư nói điều này với những người cùng chí hướng, nhưng tiếc là quên hỏi phương Nam ở đâu. Những người cùng chí hướng nói:

 

– Bậc Thánh đã chỉ đi về phương Nam, cứ nên vâng mệnh, lo gì không đến được?

 

Sư liền khăn gói lên đường.

Đi được ba ngày, Sư gặp một ao nước trong xanh, bên trong có cây xương bồ[78], cành lá to lớn, lòng rất vui mừng.

Đào lên thì thấy rễ quấn quanh đến mấy thước[79], bằng bầu xe.

Bất chợt Sư nghĩ rằng, đó là thuốc của bậc Thánh trao cho, liền lấy uống.

Mấy ngày sau, Sư trở nên thông minh hơn trước, những điều uẩn khúc lâu nay chợt sáng tỏ, mà ý thú siêu phàm nhập Thánh, thật là vượt hẳn bậc Tiên hiền.

 

Từ đó, Sư đi khắp nơi giảng kinh Hoa Nghiêm hơn 50 lần và soạn chú sớ 10 quyển.

Về sau, Sư thị tịch ở Bắc Đài, thọ 70 tuổi.

===

*THÍCH BIỆN TÀI MỘNG THẤY BỒ TÁT PHỔ HIỀN ĐẾN TRAO CHO YẾU CHỈ VI DIỆU:

Sư xuất gia từ thuở nhỏ, thờ pháp sư Dụ làm thầy.

Qua thời gian tham học giáo nghĩa, Sư cho kinh Hoa Nghiêm là rốt ráo, cùng tột trong tất cả các kinh, nên dốc lòng nghiên cứu.

Nhưng vẫn không đạt được yếu chỉ.

Buồn than cho nghiệp chướng sâu dày, Sư chí thành phát lồ sám hối.

Đồng thời, để giữ kinh cho sạch sẽ, Sư tạo một hộp trầm hương, đặt kinh vào trong đó,

Rồi đội trên đầu, kinh hành suốt 3 năm.

Một hôm, Sư mộng thấy bồ tát Phổ Hiền đến trao cho yếu chỉ vi diệu.

Nhân đó, Sư đọc thông thuộc văn kinh, trước sau đều sáng tỏ.

Đã cảm được bậc Thánh thầm gia hộ, Sư càng nỗ lực tu học, nên thấu triệt nghĩa lý.

Bấy giờ, Sư bắt đầu hoằng hóa, làm lợi ích chúng sanh. Sau không biết Sư viên tịch ở đâu.

Lại có một vị tăng (không rõ họ tên) thấy điềm lành của Sư, liền khởi lòng tin sâu;

Do đó, học theo hạnh đội kinh, đến núi Thanh Lương, trụ xứ của BỒ-TÁT VĂN-THÙ, chí thành cầu gia hộ.

Bấy giờ, vị tăng kinh hành và đảnh lễ, lúc nào cũng đội kinh trên đầu.

Tối đến, vị tăng để kinh lên một cái giá 3 chân, đốt hương đảnh lễ, ngồi kiết già bên dưới, quán xét tư duy những nghĩa sâu xa vi diệu.

Trải qua 17 năm, cũng có điềm lành ứng hiện như trước.

Hộp trầm hương đựng kinh ấy đến nay vẫn còn.

Cùng lúc ấy, tại sườn núi Bão Phúc, Phần châu, có sa-di Huệ Cầu cũng đầu đội kinh đi nhiễu quanh tháp, trải qua 3 năm, được bậc Thánh gia hộ, tinh thông cả văn nghĩa.

Vì vậy, người đương thời gọi tháp này là tháp HOA NGHIÊM.

==

*THÍCH PHÁP AN và Cảnh giới Phổ Hiền:

Sư họ Bành, người Thuần Cô, An Định, thuở nhỏ xuất gia ở tinh xá Cửu Lũng trên núi Thái Bạch. Sư chọn pháp Thiền làm sự nghiệp, trọn đời chỉ mặc vải thô xấu, ăn uống đạm bạc.

Vào khoảng niên hiệu Khai Hoàng (581-600), Sư đến Giang Đô[167] yết kiến Tấn Vương[168]. Vương vừa thấy như đã quen từ lâu, bèn mời Sư trụ tại đạo tràng Huệ Nhật và thường thỉnh đi chung mỗi khi tuần du.

Một hôm, vua đến Thái Sơn, gặp lúc không có nước, Sư lấy dao chọc vào tảng đá, nước bỗng tuôn ra. Vua khen ngợi và hỏi:

– Thần lực gì vậy?

Sư đáp:

– Thần lực của Hoàng thượng!

Sư lại cùng vua vào hang, gặp một vị tăng mặc y phục thô xấu, cưỡi lừa trắng đi đến. Vua hỏi:

– Ai vậy?

Sư đáp:

– Lãng Công[169].

Sau đó, cả hai đến chùa Thần Thông, vào giảng đường thì thấy một vị thần dáng vẻ rất uy nghiêm, đang tựa vào miệng chim hạc nhìn xuống mọi người. Vua lại hỏi. Sư đáp:

– Thần núi Thái Bạch theo Hoàng thượng đó.

Người đương thời cho rằng, vị thần này ở đây đã 300 năm, ngủ không cần gối, đầu trườn thẳng ra ngoài giường, nước dãi chảy có khi gần một đấu mà chẳng biết vì sao.

Về sau, Tùy Dạng Đế (Dương Quảng, 604-617) càng trọng Sư hơn. Uy đức của Sư át cả Vương Công, ai gặp cũng đều tôn kính, tăng tục đi đường kính Sư như thần.

Có lần, vua đi chiêm bái các Thánh tích ở những nơi nổi tiếng, như núi Ngũ Đài…, đồng thời mời các vị ẩn dật ra giúp vua trị nước. Bấy giờ, tại đạo tràng Huệ Nhật có hơn 2000 tăng chúng tu học mà tứ sự luôn đầy đủ, đều nhờ đức hạnh của Sư vậy.

Vua lại đến Đông Đô[170], lập đạo tràng Bảo Dương, đặc biệt thỉnh Sư về đây hoằng pháp. Sư luôn đọc tụng kinh Hoa Nghiêm trải qua nhiều năm tháng. Có khi Sư nói: “Cảnh giới Phổ Hiền thường hiện trước mắt ta”.

Lần nọ, Sư vào hang đá sâu hơn trăm dặm trong núi Cửu Lũng để khắc kinh Hoa Nghiêm. Vì thế, hang đá này được gọi là Hoa Nghiêm đường.

Vào năm Đại Nghiệp thứ 11 (615), Sư không bệnh mà tịch, thọ 98 tuổi. Vua ra lệnh đưa kim quan của Sư về núi Thái Bạch, ngày nay mộ tháp vẫn còn.

Tăng tục kính nhớ Sư, bèn lập tượng để cầu phước.

Còn nơi Sư khắc kinh thì vách núi cheo leo hiểm trở; gần đây, người biết vì cố chấp mà không đi, kẻ muốn đi thì lại không biết đường.

==

*HUỆ TƯ MỘNG THẤY BỒ-TÁT PHỔ HIỀN LẤY TAY XOA ĐẦU.

Huệ Tư (515-577):

Còn gọi Nam Nhạc Tôn giả, Tư Đại Hoà thượng, Tư Thiền sư.

Cao tăng Trung Quốc, sống vào thời Nam Bắc triều, người Vũ Tân, thượng Thái, Hà Nam, họ Lý, là Tổ thứ 2 tông Thiên Thai, Trung Quốc (có thuyết cho là Tổ thứ 3)…

Một hôm, Sư mộng thấy bồ-tát Phổ Hiền lấy tay xoa đầu.

Từ đó trên đảnh sư nổi lên nhục kế.

Năm 15 tuổi, Sư xuất gia, tham yết thiền sư Huệ Văn ở Hà Nam, được truyền pháp Quán tâm.

Sư là người đầu tiên chủ trương đưa ra thuyết nói về thời suy vi của Phật pháp, tức là thời kỳ mạt pháp, cho nên xác lập tín ngưỡng Phật A-di-đà và Phật Di-lặc.

Sư chú trọng đến việc thực hành Thiền pháp và cả việc nghiên cứu giáo lý, danh tiếng vang lừng, được vua Tuyên Đế kính ngưỡng.

Sư truyền pháp cho ngài Trí Khải, là một môn hạ kiệt xuất trong hàng đệ tử.

Sư viên tịch năm 577, thọ 63 tuổi.

(Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập II, trang 1999-2000).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét