Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2021

LINH ỨNG KHI ĐỌC KINH LĂNG NGHIÊM ( SURANGAMA SUTRA) THI ĐẬU CÔNG TY QUẢNG CÁO NƯỚC NGOÀI

 




Hôm ấy, các hàng trưởng giả cư sĩ cũng đều sắm đủ thức cơm chay, cung thỉnh chư tăng đến ứng cúng. Trong lúc đó, ngài A-nan, vì đã chịu người thỉnh riêng, nên trở về chẳng kịp để dự vào hàng chúng Tăng thọ cúng.

Không may, ông A-nan gặp phải nhà tín nữ ngoại đạo tộc Ma Đăng Già, dùng phép huyền thuật là thần chú của ngoại đạo tóc vàng, bắt vào phòng, dùng đủ lời dịu ngọt, vuốt ve mơn trớn, ép uổng về tình duyên khiến ông gần phá mất Giới thể!
Phật biết A-nan mắc nạn, nên ngồi kiết già, trên đảnh phóng hào quang trăm báu, trong hào quang ấy có hoa sen ngàn cánh, trên hoa sen có đức Hóa Phật ngồi kiết già nói thần chú Lăng Nghiêm.
Phật bảo ngài Văn Thù đem thần chú Lăng Nghiêm đi đến chỗ nàng Ma Đăng Già, để phá trừ tà chú, cứu nạn cho A-nan.
Người tu phải trải qua bao nhiêu địa vị, trong khi tu gặp những nguy hiểm nào, và làm sao mới tránh khỏi những điều nguy hiểm ấy, thì trong kinh Lăng Nghiêm này Phật dạy hết sức rành rẽ.

Kinh Lăng nghiêm là một Pháp Bảo, hết sức quý giá. Kinh Lăng Nghiêm gồm 10 chương, Phật nói rất rõ ràng, súc tích.
Con người nếu không có xương tủy thì chết, Phật Giáo không có Kinh Lăng Nghiêm thì Phật Pháp diệt.
Trong Kinh Pháp Diệt Tận nói rằng: “Tương lai khi đến thời kỳ Mạt Pháp, bộ kinh Lăng Nghiêm sẽ bị hủy diệt trước hết.”
Vì kinh này hiển bày con đường tu chứng, đem tất cả những điều sai trái của thiên ma ngoại đạo và của cả chúng sanh trình bày vô cùng rõ ràng, xiển minh hết sức tường tận.
Đạo lý quá chân thực, uy lực quá dũng mãnh nên tà ma không chịu nổi.
Cho nên chúng dùng đủ mọi cách để phá hoại, tiêu diệt bằng cách tạo ra lời đồn xuyên tạc, nói rằng Kinh Lăng Nghiêm không phải từ kim khẩu Phật thuyết ra, mà là do người đời sau ngụy tạo.
Phải tuyên truyền Kinh Lăng Nghiêm là ngụy tạo thì chúng mới có cơ hội để sinh tồn.
Nếu như thừa nhận đây là lời Phật thuyết pháp thì đối với chúng là không xong!
Bạn đã thấy tầm quan trọng của việc đọc kinh Lăng Nghiêm. Dưới đây là các mẫu truyện về linh ứng khi đọc tụng kinh Lăng Nghiêm.
=====
NHỜ ĐỌC KINH LĂNG NGHIÊM (SURANGAMA SUTRA) MÀ THI ĐẬU CÔNG TY QUẢNG CÁO NƯỚC NGOÀI

Minh Quân có bà ngoại và ông cậu Sáu- em trai của mẹ Quân rất thường đọc kinh Lăng Nghiêm ở nhà, bản kinh Lăng Nghiêm in từ lâu, nay giấy đã vàng ố, chữ cũng hoen mực nhưng bà ngoại và cậu Sáu vẫn nâng niu, cất cẩn thận trên bàn thờ Phật trong nhà và khi rảnh là 2 người lấy ra đọc.

Hồi nhỏ khi còn là 1 cậu bé, Quân hay ngồi nghe lỏm được khi cậu Sáu đọc kinh, gì mà: “Ly Cấu Địa, Phát Quang Địa, Diệm Huệ Địa, Nan Thắng Địa , rồi thì : Đẳng Giác, Diệu Giác, Danh Kinh… Thập Tập Nhân, Lục Giao Báo”…

Quân sém thuộc luôn nhưng chẳng hiểu gì cả.
Rồi ông cậu Sáu tìm được việc làm ở công ty điện tử của Nhật, lương của cậu cũng cao và cậu kết hôn với một cô gái làm kĩ sư hóa dầu ở công ty dầu khí của Mỹ và cậu mợ mua nhà mới ở xa, nên thỉnh thoảng mới về thăm bà ngoại của Quân.

Quân ngạc nhiên là mỗi lần đổi việc, đi thi tuyển ở các công ty mới là cậu Sáu lo lấy kinh Lăng Nghiêm ra đọc trước.
Và rồi thì cậu Sáu cũng đậu vô công ty mà cậu nộp đơn.
Rồi sau đó, cậu quen cô Ngọc, sau này trở thành mợ ba của Quân.
Cô Ngọc xinh đẹp, học Đại học Bách Khoa chính quy, khoa Hóa, ba mẹ cô là cán bộ nhà nước, họ mong cô kết hôn với con trai của 1 người bạn thân của 2 phụ huynh cũng làm chức rất to ở tỉnh nhà nhưng cô Ngọc không đồng ý.
Cô yêu cậu Sáu mà cậu Sáu thì chỉ có bà mẹ góa lâu năm và một người chị gái làm nghề may, là mẹ của Quân.
Vì vậy, ba mẹ của cô Ngọc ban đầu không thích cậu Sáu lắm, ngăn cản chuyện hôn sự của hai người.

Cậu Sáu về buồn nhưng vẫn bình tĩnh, cậu nói giỡn với Quân là :“Kỳ này tao nguyện đọc kinh Lăng Nghiêm 10 lượt nên không đi chơi điện tử với mày được trong 1 thời gian nha Quân.
Tao đọc xong kinh Lăng Nghiêm để cầu cho hôn sự của tao và em Ngọc”.

Và rồi sau đó thì cậu cũng cưới được mợ Ngọc. Ba mẹ của mợ cũng hoan hỷ chúc phúc cho 2 con và còn phụ tiền để cậu mợ mua nhà.

Học xong đại học thì trong thời gian chờ tìm việc, Quân bắt chước bà ngoại và cậu Sáu cũng lấy kinh Lăng Nghiêm của bà ra đọc vì chàng rảnh không làm gì, lấy kinh ra đọc để giết thời gian, dù đọc kinh Lăng Nghiêm nhưng chàng không hiểu gì hết, nhưng vẫn cố đọc cho hết quyển sách.

Trong kinh Lăng Nghiêm có bài chú Lăng Nghiêm, chàng dù đọc nhiều lần vẫn bị đọc nhịu, đọc lộn chữ.
Minh Quân tốt nghiệp khoa ngoại ngữ, lúc tốt nghiệp ra trường, anh ấy chỉ làm nhân viên văn phòng ở các công ty nhà nước.

Vài năm sau, anh chàng bỗng chán làm những việc văn phòng nhàm chán, không có gì sáng tạo, chàng thích thử nghiệm ở các công ty quảng cáo có vẻ sôi động và nhiều thử thách, sáng tạo hơn.

Năm đó chàng cũng đã 29 tuổi, chưa có kinh nghiệm về làm quảng cáo, chưa một ngày làm ở công ty nước ngoài, vì từ khi ra trường tới giờ, chàng chỉ làm trong các công ty nhà nước ở Việt Nam.

Dù rất yêu thích làm ở môi trường công ty quảng cáo nước ngoài, nhưng Minh Quân không tự tin lắm, vì kinh nghiệm và các portfolio chàng chưa có nhiều, chỉ có viết các bài thơ, bài dịch cho báo Mực Tím và Áo Trắng, Hoa học trò... khi còn đi học

Nhưng chàng cũng thử nộp hồ sơ ứng cử vào nhân viên viết kịch bản quảng cáo ở một công ty nước ngoài, khi chàng thấy mẫu quảng cáo tuyển dụng nhân viên trên báo.

Rồi chàng cũng được gọi điện mời phỏng vấn, trải qua 3 vòng. Trước khi đi phỏng vấn ở công ty mới, vì chàng không tự tin vào kinh nghiệm và năng lực của mình nên chàng lấy kinh Lăng Nghiêm ra đọc được 2 lượt.
Vòng phỏng vấn đầu tiên là chàng gặp người phụ trách nhân sự của công ty, họ hỏi qua về các kinh nghiệm của chàng và mô tả yêu cầu của công việc mới. Chàng cũng trình bày nhưng ra về thì chàng nghĩ chắc mình cũng không trúng tuyển đâu.
Vậy mà 1 tuần sau, người của công ty đó gọi cho chàng mời Minh Quân dự vòng phỏng vấn vòng 2 với người manager phụ trách quảng cáo – truyền thông của công ty.

Lần này trao đổi 1 số vấn đề với người manager xong thì Quân ra về và chàng nghĩ rằng mình cũng không có hy vọng gì.
Bất ngờ là khoảng 5 ngày sau, người của công ty này lại gọi cho Quân dự phỏng vấn vòng 3 với người chủ của công ty, ông ấy là người nước ngoài nên phỏng vấn bằng tiếng Anh, mà Quân vốn xuất thân là sinh viên khoa Anh nên cũng không gặp khó khăn lắm, chàng chỉ không tự tin vì kinh nghiệm và chuyên môn của mình thôi.
vậy mà hơn 1 tuần sau, khi vẫn đang làm việc ở công ty cũ thì Minh Quân nhận được cuộc điện thoại của HR manager bên công ty quảng cáo nước ngoài đó. Họ nói anh đã trúng tuyển và hỏi anh xem khi nào thì anh có thể qua nhận việc mới được và họ thông báo rằng đã gởi offer letter cho anh qua email. Mức lương họ đưa ra cũng hấp dẫn.
Quân bất ngờ và vui vô cùng, chàng lo viết đơn nghỉ việc ở công ty cũ và nhanh chóng thu xếp để bàn giao các việc để qua nhận việc ở công ty mới. Sau thời gian thử việc 2 tháng thì Quân được tăng lương và rất ngoạn mục là sau đó khoảng 8 tháng thì nhờ năng lực biểu hiện xuất sắc chàng được khen thưởng trước toàn công ty, được bầu là nhân viên xuất sắc trong tháng, được thưởng 1 triệu đồng.

Rồi chàng được bổ nhiệm làm content leader của công ty nữa. Tất cả đều ngoài mong đợi của Quân.
Trong lúc vui vẻ và nói chuyện với thằng bạn thân tên Trung, Quân khoe với nó là nhờ đọc kinh Lăng Nghiêm mà chàng đã đậu vào một vị trí mình chưa từng làm qua và lại là của công ty nước ngoài. Thằng Trung nghe vậy cũng lên mạng tìm đọc kinh Lăng Nghiêm và tải về in ra để đọc.

Sau vụ thi tuyển này, Quân về kể cho ba mẹ và dòng họ nghe thì ai cũng tấm tắc. Các ngày lễ lớn của Phật giáo thì cha mẹ của Quân cũng lấy kinh Lăng Nghiêm ra đọc. Cha của Quân còn phát nguyện ấn tống một số sách kinh Lăng Nghiêm mới để phát tặng cho chùa.
--------
Bà nội 86 tuổi ở quê của Minh Quân, lưng còng, mắt mờ, bà nghe và nói cũng gặp khó khăn.
Dạo đó vào năm 2004, các cô của Minh Quân ở quê gọi điện báo cho cha của Quân là bà nội hấp hối rồi, mê sảng, tay chân như đang bắt châu chấu, dấu hiệu của người hấp hối, lại không ăn uống được nằm mê man.
Mấy cô con gái của bà mời lương y trong xóm qua bắt mạch thì lương y lâu năm nói là mạch của bà cũng yếu.
Cha của Minh Quân lấy vé máy bay về quê nhưng vẫn dặn chị Hai của Minh Quân ở nhà lấy sách kinh Lăng Nghiêm ra đọc hồi hướng cho bà và dặn 1 người cháu gái gọi cha của Minh Quân bằng cậu đang ở quê cũng ráng đọc kinh Lăng Nghiêm cho bà, vì cha muốn gặp mẹ của mình lần cuối và chờ thêm 2 chú đang đi xuất khẩu lao động ở Nhật về gặp bà.

Không ngờ là khi cha về thì bà nội tỉnh táo hơn, ăn được cháo, nhận ra cha của Minh Quân, và từ đó bà khỏe ra,có thể ngồi dậy và chống gậy đi chơi khắp xóm, hỏi thăm nói chuyện được với nhiều người vì tinh thần minh mẫn.

Tới năm 94 tuổi bà mới mất, mà lúc đó có đầy đủ các con ở nhà và có thể gặp mẹ mình lần cuối.
( Truyện của Phật tử T.Q)
==
CHUYỆN HÔN NHÂN NHIỀU LẦN TRẮC TRỞ ĐƯỢC THÀNH TỰU TỪ VIỆC ĐỌC KINH LĂNG NGHIÊM

Thục biết yêu từ năm 22 tuổi, lúc cô vừa tốt nghiệp đại học.
Đó là 1 anh chàng học cao đẳng giao thông vận tải tên Mạnh, anh ấy làm bên cầu đường nên lương và thưởng cũng cao, thời gian đầu 2 người rất quấn quýt, thậm chí mẹ của Mạnh đã đến nhà Thục chơi và nói chuyện với ba mẹ của Thục.

Ai cũng thấy Mạnh rất thương Thục, thương thật tình và chiều chuộng cô. Bà con họ hàng đều nghĩ là 2 người sẽ sớm cưới nhau.
Thế nhưng chẳng bao lâu thì Mạnh và Thục chia tay và cả 2 thề là sẽ không bao giờ muốn thấy mặt nhau nữa. Nguyên nhân thì cả 2 đều không nói ra.

Sau đó cô đổi việc ở một số công ty, cô cũng có những người yêu mới. Trải qua 4 lần yêu và chia tay trong mệt mỏi, đau khổ, mỗi lần chia tay bạn trai thì Thục đều phải xin nghỉ việc ở công ty vài ngày và nằm khóc ở nhà.
Thục cũng đi chùa, mấy cô làm công quả ở chùa hướng dẫn Thục đọc kinh vào những ngày cuối tuần.

Rồi Thục được con nhỏ Quỳnh bạn thân, rủ đi coi bói ở một bà bói nổi tiếng. Bà ấy phán là số của Thục phải trải qua 5, 6 lần đau khổ vì tình, bị chia cắt, chia tay, thậm chí là bà coi chỉ tay thì đường hôn nhân của cô không hề có đám cưới. Bà bói nói là do nghiệp chướng của cô mà ra, giờ cô phải lo làm nhiều việc thiện, lo đọc kinh, đọc thần chú, giúp người, cứu vật … thì mới mong qua được nghiệp chướng.
Thục nghe mà buồn rầu, não lòng, đau đớn. Cô đã chia tay hết 4 lần rồi. Nếu đúng như bà bói nói thì cô sẽ bị thêm 2 lần nữa đau khổ vì tình.

Hôm đó cô về chùa, đang thắp hương vái lạy trước bàn thờ Địa Tạng bồ tát thì Thục gặp cô Sinh, cô Sinh có để hũ cốt của mẹ ở chùa này và thường về làm công quả, nấu cơm chay cho chùa.

Cô Sinh mỉm cười với Thục, rủ Thục ở lại ăn cơm chay với cô và rủ Thục cùng đọc kinh Lăng Nghiêm với cô, vì sư phụ vừa tặng cho cô Sinh 1 cuốn kinh Lăng Nghiêm in bìa cứng màu nâu, có bọc ny- lông rất trang trọng.

Thục thấy cô Sinh tấm tắc khen kinh Lăng Nghiêm, tán thán ca ngợi về cuốn kinh này. Cô Sinh nói về tầm quan trọng của kinh này, rằng :” Kinh Lăng Nghiêm mà diệt thì đạo Phật diệt. Ở đời mạt pháp thì kinh Lăng Nghiêm diệt trước nhất”

Vì vậy cô Sinh ở nhà hay khuyên con gái Út của cô cùng tụng kinh Lăng Nghiêm với cô mỗi buổi tối.
Do Thục rất quý cô Sinh nên lần nào về chùa mà gặp cô ở trong bếp đang nấu cơm chay cho các thầy thì Thục cũng mang tặng những văn phòng phẩm của công ty mà cô đang làm thuê như bút bi, giấy note, bút xóa, bút dạ…. còn cô Sinh thì hay gói mấy cái bánh ít mà cô làm để gởi cho Thục mang về, cả 2 người rất hoan hỷ.
Có lần Thục về chùa nhưng sắc mặt rất u ám, mắt sưng vù do cô vừa khóc tối hôm qua, cũng vì chuyện tình cảm. Cô Sinh gặng hỏi thì Thục cũng kể thực tình là cô đang đau khổ vì tình.
Do vậy nên cô Sinh cũng biết rằng trong lòng Thục hiện đang không vui, không thoải mái vì chuyện tình cảm.
Lần nào cô Sinh cũng khuyên Thục buông bỏ bớt những chuyện không vui, đừng chấp vào nó và hãy giữ tinh thần lạc quan.
Lần này, cô Sinh lấy cuốn kinh Lăng Nghiêm và 2 cô cháu ra ngồi nơi bộ bàn ghế làm bằng đá, kê dưới gốc cây sa la, gần mấy cây cau kiểng, kế đó là 1 hòn non bộ có tượng Mẹ Quán Âm ở trên cao, có đàn cá chép màu cam đang bơi phía dưới rất đẹp.
2 cô cháu cùng đọc chậm rãi nhưng đọc to, rõ ràng kinh Lăng Nghiêm, khi đọc hết "PHẦN LƯU THÔNG" trong kinh thì Thục cảm thấy đầu óc khoan khoái, thoải mái, dễ chịu chưa từng có.
Thấy vậy cô Sinh đề nghị tặng quyển kinh mà cô vừa được thầy tặng, tặng lại cho Thục để mang về nhà tự đọc. Thục ban đầu còn từ chối, sau cô thấy cô Sinh rất thực lòng nên Thục nhận kinh và mang về nhà tự đọc mỗi cuối tuần. Cô cảm thấy cuốn kinh này quý báu vô cùng, nếu ai mà cũng chịu đọc kinh này thì rất tốt, nhất là những người thực hành thiền lại càng nên đọc kinh Lăng Nghiêm.
Sau đó thì cô cũng quen một chàng trai hơn cô 2 tuổi, là đối tác kinh doanh của công ty mà cô làm.
Anh ấy tên Tuấn, trong nhiều lần đến liên hệ công việc, anh ấy gặp Thục và cảm mến cách giao tiếp khéo léo và thông minh, thật tình của Thục nên Tuấn hẹn hò cô đi uống café, đi xem phim.
Thục cũng không hy vọng lần này cô có thể có cái kết mỹ mãn với Tuấn vì cô đã đau khổ vì tình 4 lần, thêm nữa là thầy bói phán là cô còn bị đau khổ thêm vài lần nữa nên Thục cũng giữ chừng mực, cô không đặt nặng tình cảm của mình vào Tuấn cho lắm.
Mặc cho Tuấn ra sức chăm sóc, quan tâm cô. Cô vẫn thích đọc kinh Lăng nghiêm vào mỗi cuối tuần khi cô được nghỉ làm.
Quen nhau được hơn 1 năm thì Tuấn dẫn ba đến gặp ba me Thục, vì mẹ anh đã mất từ lúc anh 12 tuổi.
Sau đó 2 tháng thì Tuấn bàn đến việc kết hôn và cả 2 gia đình đã thống nhất được 1 ngày tổ chức đám cưới cho đôi trẻ.
Kết hôn xong, 1 năm sau thì 2 người đón đứa con gái đầu lòng rất giống Tuấn, Tuấn không đi làm thuê nữa mà mở doanh nghiệp riêng.
Anh còn mở cho Thục một cửa hàng văn phòng phẩm để vợ không phải đi làm thuê mà có thể chủ động thời gian chăm sóc con.
- Chuyện của phật tử Diệu Anh-
(trang chuyện nhân quả)
===
NHỜ ĐỌC KINH LĂNG NGHIÊM MÀ CÓ CON TRAI DÙ TRƯỚC ĐÓ BỊ HIẾM MUỘN

Vợ chồng Hưng kết hôn muộn, năm Hưng 45 tuổi, vợ Hưng 43 tuổi thì 2 người mới kết hôn.

Lại nữa, Lam vợ của Hưng lại làm việc ở một ngân hàng ở tỉnh Bình Dương, còn Hưng làm việc kỹ thuật điện lạnh ở Sài Gòn, vì công việc nên sau khi cưới, cả 2 người chưa chuyển việc về gần nhau được, và 2 vợ chồng vẫn phải sống xa nhau.

Cuối tuần, nếu không bận công việc thì Hưng mới tranh thủ chạy xuống Bình Dương thăm vợ được.

Vì vậy cưới nhau đã 3 năm rồi nhưng đến nay 2 vợ chồng vẫn chưa có con, dù hai bên gia đình rất nóng lòng, thúc giục, do hai vợ chồng đã lớn tuổi, sợ không sinh được con.

Nhà Hưng có 2 anh em trai, nhưng Thành là em trai của Hưng đã bị người ta giết chết, trong một lần bị tai nạn giao thông ngoài đường, do nóng nảy, dẫn đến tranh cãi dữ dội và người kia – người chạy xe đụng anh Thành đã rút dao ra đâm Thành trúng ngực, mất máu và Thành tử vong khi được đưa vào bệnh viện.

Vì vậy coi như bây giờ gia đình Hưng chỉ còn anh là đứa con trai duy nhất, nên áp lực phải cưới vợ sanh con đè lên vai anh rất nặng nề, đôi lúc anh bị trầm cảm vì áp lực.

Bà nội anh HƯng lúc còn sống thì hay đọc chú Đại Bi và kinh Lăng Nghiêm. Bà ngày xưa đã dặn dò Bác Hai của anh Hưng lúc ra trận là nên đeo, cột cuốn kinh Lăng Nghiêm trước ngực để không bị trúng pháo, đạn bắn trúng.

Bác Hai làm theo lời bà dặn và đúng là trong thời chiến tranh, dù là binh sỹ trực tiếp chiến đấu ở chiến trường nhưng bác Hai không hề bị trúng đạn.

Cô Tư là con gái của bà nội, khi mang thai, được bác sỹ dự sanh là sẽ sanh khó, vì thai nằm ngược và thai yếu nên bà nội cũng ráng đọc kinh Lăng Nghiêm cầu nguyện cho mẹ con cô Tư.

Đến ngày cô Tư sanh thì tự nhiên, thai đã quay lại và không còn bị ngược nữa, bà nội thắp nhang tạ ơn trời Phật.
Nhưng nhà chỉ có bà nội là siêng đọc kinh, trì chú thôi, chứ bác Hai và cô Tư đều bận bịu gia đình, con cái, bận rộn làm ăn buôn bán nên ít có thời gian đọc kinh, trì chú như bà.

Nay bà nội mất thì hầu như các con cháu càng ít người chịu đọc kinh, trì chú. Chỉ có ngày giỗ bà nội thì ba của anh Hưng và bác Hai lấy cuốn kinh Di Đà ra đọc, mà kinh Di Đà cũng ngắn nên không tốn nhiều thời gian để đọc.

Dịp vừa rồi, anh Hưng và mẹ soạn trên gác xép lại để cho em sinh viên đến thuê trọ, mới thấy cuốn kinh Lăng Nghiêm của bà nội, bà để trong một hộp thiếc cũ, trước đó là hộp đựng sô-cô –la , trong hộp thiếc này bà để kinh Lăng Nghiêm và mấy hình ảnh thời còn chụp trắng đen của mấy người con, cháu.

Anh Hưng bỏ các hình ảnh ấy vào cuốn album của gia đình, còn cuốn kinh Lăng Nghiêm thì anh mang lên phòng của mình.

Vì nơi tủ thờ cũng đã chật chỗ, anh sợ bỏ nhiều thứ giấy lên, chẳng may tàn nhang rớt xuống hoặc nến đổ xuống thì có thể gây cháy nên Anh Hưng quyết định mang cuốn kinh Lăng Nghiêm lên phòng của mình.

Dạo này tối đến, anh cũng không có nhiều cuộc điện thoại gọi đi sửa máy lạnh, vệ sinh máy lạnh…. nên anh lấy kinh Lăng Nghiêm ra đọc, tò mò coi trong kinh nói gì mà bà nội cất cẩn thận vậy.

Kinh Lăng Nghiêm vốn rất dài nhưng càng đọc kinh này thì anh càng thấy hay và những triết lý, lời dạy của đức Thế Tôn đúng là đáng ngưỡng mộ, trầm trồ.

Bản kinh rất quý báu mà ai đọc xong cũng phải trầm trồ, xuýt xoa.

Cuối cùng thì anh cũng đã đọc xong kinh Lăng Nghiêm và đọc qua tới “ kinh Pháp Diệt Tận” luôn, và vào những ngày cuối tuần thì anh vẫn chạy xe về Bình Dương thăm vợ mình.

Anh Hưng vẫn nhớ như in cái ngày vợ anh gọi điện thông báo đã đi bác sỹ khám và bác sỹ thông báo vợ anh mang thai rồi, đó là ngày 16/5, năm đó lại trúng dịp Phật đản nên gia đình anh Hưng trầm trồ và cho là điềm lành.
Trong thời gian vợ anh mang thai thì anh Hưng vẫn không ngừng lo lắng vì chị Lam vốn đã lớn tuổi nên sẽ gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy anh càng dốc lòng đọc nhiều lượt kinh Lăng Nghiêm, hầu như ngày nào đi làm về mà không có khách gọi đi sửa máy lạnh là anh Hưng lại đọc kinh Lăng Nghiêm rất thành tâm. Trong suốt thời gian mang thai thì chị Lam không bị ốm nghén, nôn ói khổ sở như những phụ nữ khác.

Tới ngày dẫn chị Lam đi sanh trong bệnh viện, anh Hưng ngồi chờ ngoài hành lang, lúc đó anh lấy cuốn kinh Lăng Nghiêm, lúc này đã được bọc giấy báo ngoài bìa để tránh gây tò mò, chú ý của những người xung quanh và anh đọc thầm, cầu nguyện cho vợ con mình được an toàn, không xảy ra bất cứ biến cố nào trong quá trình sinh con.

Vì anh đọc nhiều tờ báo kể những biến chứng, rủi ro trong quá trình sinh con nên anh rất lo sợ, anh càng thành tâm đọc kinh và cầu nguyện.

Và rồi cô y tá cũng bồng một đứa trẻ sơ sinh nặng 3,6 kg ra, đứa trẻ trai, nhìn mặt thì ai cũng kêu lên là “ông Hưng con” vì rất giống anh HƯng.

Anh ngồi nghĩ sẽ đặt một cái tên có ý nghĩa cho con trai, rằng nó sẽ tên là Thiện Tâm.

Khi hai mẹ con chị Lam về nhà, anh HƯng có tạc 1 tượng Phật để tạ ơn chư Phật đã phù hộ cho mẹ tròn con vuông.
Anh dự tính sau này con trai biết đọc, anh sẽ dạy cho nó đọc kinh Lăng Nghiêm từ sớm.



(theo trang chuyện nhân quả)
===
SỐ TỬ VI KHÔNG CÓ VỢ NHƯNG ĐỌC KINH LĂNG NGHIÊM VẪN LẤY VỢ SINH CON ĐƯỢC
anh Phương là con trai út, anh rất đẹp trai, cao 1,85 m, nhìn anh như tài tử, là niềm tự hào của gia đình anh.
Ông nội của anh biết chấm tử vi, thời ở dưới quê, cả làng đều nhờ ông chấm tử vi và tấm tắc khen ông chấm rất đúng, nhiều người sau này sanh con rồi lại nhờ ông nội chấm cho đời con, trước đó là ông đã chấm tử vi cho đời cha mẹ, thậm chí là đời ông bà cũng đi chấm tử vi ở ông nội của anh Phương.

Hồi anh Phương còn nhỏ, ông nội chấm tử vi cho, xong ông nói rằng : “số thằng Phương mai này không lấy được một nữa người vợ, tóm lại là số nó không có vợ, không thể lấy được vợ.”

Đến tuổi kết hôn, anh Phương có yêu vài cô, nhưng đa số các cô ấy đều đã có gia đình, có con riêng, có những cô rất dữ dằn, lại không có công ăn việc làm, có cô lớn tuổi hơn anh Phương nhiều... nhưng rồi thì cuối cùng người ta cũng chia tay anh Phương.

Sau đó anh buồn đời, muộn phiền lao vào nhậu nhẹt, rồi anh Phương cũng quen được 1 cô gái làng chơi, bán phấn buôn hương, cô ấy tên là Trang, 2 người thuê nhà sống chung cũng được vài năm rồi.

Anh Phương năn nỉ cô Trang làm đám cưới và sinh con cho anh nhưng cô Trang không chịu.

Sau đó anh Phương đề nghị là không cần tổ chức đám cưới, chỉ cần ra phường làm đăng kí kết hôn thôi và về sống chung với nhau, sinh con nhưng cô Trang vẫn không chịu và thời gian sau thì hai người chia tay.

Mẹ anh Phương là bác Tốn lại thở dài, buồn rầu vì lá số tử vi của con trai mình đã như vậy rồi.

bác Tốn gặp ai trong họ hàng cũng than phiền, thở dài về hôn nhân của anh Phương.

Mợ Vinh là vợ của cậu Lộc, cậu Lộc là em trai của bác Tốn.
Mợ Vinh là Phật tử thuần thành, hay tham gia đạo tràng, khóa tu bát quan trai và các khóa tu sám hối ở chùa. Mợ Vinh hay tài trợ, cúng dường thực phẩm cho các khóa tu.

Ở nhà mợ Vinh hay đọc Lương Hoàng Sám và Kinh Lăng Nghiêm, chú Lăng Nghiêm, Pháp Hoa…

Mợ khuyên bác Tốn thử đọc kinh Lăng Nghiêm một thời gian xem sao, coi có thay đổi được vận mệnh, ngôi sao xấu về hôn nhân cho anh Phương không và biết đâu lời cầu nguyện về hôn nhân của anh Phương lại được chư Phật, bồ tát giúp đỡ, và sám hối các lỗi lầm của bản thân thì cũng tốt, còn hơn là đi cúng cắt duyên âm gì đó ở các thầy đồng, vừa tốn tiền, vừa mê tín dị đoan.

Mợ Vinh tặng cho bác Tốn 1 cuốn kinh Lăng Nghiêm, hướng dẫn cách đọc và hồi hướng ra sao.
Bác Tốn khuyên anh Phương cùng đọc kinh chung với mẹ nhưng anh Phương thất vọng vì tình trạng của mình nên từ chối, anh Phương nói rằng:” Số phận đã như vậy rồi, đọc kinh cũng vậy mà thôi, đọc làm chi cho mệt”.

Bác Tốn nghiêm mặt la anh Phương:” Chỉ có pháp của Phật, nó như là những vị thuốc màu nhiệm mới chữa được lành các bệnh khổ của chúng sanh. Mày đã cao số, nghiệp nặng rồi còn không chịu đọc kinh, thần chú, niệm Phật thì bao giờ mới thay đổi được vận mệnh”.

anh Phương nghe mẹ la thì cũng đành miễn cưỡng làm theo, mỗi tối sau giờ cơm, 2 mẹ con ngồi trước bàn thờ Phật và cùng đọc kinh Lăng Nghiêm, tâm thế của anh Phương là đọc theo mẹ cho khỏi bị la, chứ anh không hề tin, chỉ có bác Tốn là tin tưởng thiết tha nên đọc kinh với lòng thành kính, đặt lòng tin vào chư Phật.

Hai mẹ con đọc được hơn 3 tháng, đọc miệt mài, chăm chỉ, thì hôm kia có 1 cô gái từ Cao Bằng đến gõ cửa đưa quà đặc sản mà 1 người bà con của bác Tốn đang sinh sống ở Cao Bằng gởi vào cho gia đình bác Tốn ở Sài Gòn.

Cô gái ấy nhìn cũng bình thường, da trắng, người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn.
Anh Phương ra mở cửa và nhận quà, bác Tốn mời khách vào nhà chơi uống nước.

Cô gái ấy hướng dẫn cách chế biến đặc sản ra sao, một cách nhiệt tình. Cô gái chỉ ở chơi Sài Gòn 1 thời gian rồi về quê Cao Bằng, bác Tốn mấy lần mời cô ấy ghé nhà chơi.

Và sau đó thì anh Phương và cô ấy cũng quen nhau.

Một thời gian sau thì bác Tốn và anh Phương ra Cao Bằng thưa chuyện với cha mẹ của cô gái.
Sau đó không lâu thì đám cưới được tổ chức ở hai nơi, Sài Gòn và Cao Bằng là quê nhà của cô dâu-chú rể.

Rồi thì vợ chồng anh Phương cũng có hai đứa con trai nhìn rất kháu khỉnh, cả 2 đều giống anh Phương.

Sau này mỗi lần cả nhà quây quần dùng cơm thì bác Tốn có nhắc lại vụ nhờ đọc kinh Lăng Nghiêm mà anh Phương có được vợ con, dù tử vi chấm là anh không có 1 nữa cô vợ và anh đã trải qua những năm tháng đau buồn, lận đận vì tình cảm.

(Phật tử MINH TUYỀN, chùa Bát Nhã)
========
NHỜ ĐỌC KINH LĂNG NGHIÊM MÀ THOÁT TÙ TỘI
Quách Thông không rõ bị tội gì nhưng bị cảnh sát bắt vào tù và thông báo cho gia đình về việc anh ta bị bắt. Mấy ngày sau, mẹ anh ta gởi thức ăn khô vào tù cho con trai, bao gồm mì gói, nước tương, bánh đậu xanh, bánh dứa Đài Loan…
Ở phía ngoài của các đồ ăn đều được bọc giấy bao lại, đó là những trang giấy viết tay, tiếng phổ thông, chữ viết tay của bà mẹ Quách Thông.

Bà viết về kinh Lăng Nghiêm, chỉ từ quyển 1 đến quyển 2, bà cẩn thận đánh số trang. Vì điều kiện ở tù không cho phép để gởi được nhiều trang hơn.
Khi Quách Thông nhận được gói quà mẹ gởi thì anh ta nhận ra chữ viết của mẹ, qua các gói giấy bao bọc ngoài các thức ăn khô.
Anh ta mở giấy bao bên ngoài ra, vuốt thẳng giấy lại, và xếp lại theo thứ tự trang mà mẹ mình đã ghi.

Và như vậy thời gian ở trong tù thì Quách Thông cũng rảnh, không có việc gì làm thì anh ta lấy các tờ giấy có ghi lời kinh Lăng Nghiêm này ra đọc, nhưng chỉ có từ quyển 1 đến quyển 2, vì điều kiện ở tù thì mẹ anh không thể gởi đầy đủ cả cuốn kinh vào tù.

Anh ta đọc được 4,5 lượt gì đó thì tự nhiên chú cảnh sát trẻ mời anh lên văn phòng gặp, chú cảnh sát trẻ trao đổi rất nhẹ nhàng, từ tốn, chứ không bị la nạt gay gắt như những hôm đầu Thông vừa bị bắt.

Cuối cùng Thông được thả tự do, vì nghe đồn là chứng cứ buộc tội anh ta không đủ.

Ngày anh ta được thả về nhà, bà con lối xóm qua thăm, cho lá bưởi để tắm xả xui và nghe hai mẹ con Quách Thông kể chuyện thì ai cũng ồ lên khen là Kinh Lăng Nghiêm cứu người ta thoát khỏi tù tội, gông cùm như trong kinh Phật đã từng nói, đó là mục “14 CÔNG ĐỨC VÔ ÚY”, quyển 6, kinh Lăng Nghiêm.

Dù chỉ mới đọc được 2 quyển đầu tiên, chưa đọc được hết cuốn kinh mà đã có công đức như vậy rồi. Làng xóm từ đó rủ nhau đọc kinh Lăng Nghiêm nhiều hơn, chăm hơn.

(theo trang Nhân quả hiện tiền)
====

NHỜ VỢ TỤNG KINH LĂNG NGHIÊM MÀ CHỒNG THOÁT NẠN CHÌM THUYỀN

Anh Sang quê ở miền Trung, làm nghề thợ hồ xây dựng, anh vừa  lấy vợ là chị Tình, người cùng xã. chị Tình là phật tử thuần thành, hay đi chùa tụng kinh, sám hối.

 

Một tháng có bốn ngày 30, mùng 1, và 14, 15 thì chị Tình thường ăn chay, đọc Từ Bi Thủy sám và hầu như ngày nào chị cũng gắng đọc một vài trang kinh Lăng Nghiêm, vì bà nội chị đi tu ở chùa ngoài đảo, bà dặn con cháu trong nhà ráng cố gắng đọc kinh Lăng Nghiêm càng nhiều càng tốt.

 

Ngày nào dù bận rộn công việc mệt nhọc thì chị Tình cũng đọc vài trang kinh Lăng Nghiêm như một thói quen, chứ chị không hề lười mỏi, biếng nhác.

 

Anh Sang được người anh bà con rủ đi đánh bắt hải sản nên rất hăm hở, anh thích thử một lần ra biển coi cảm giác ra sao và ít ra thì khi đi biển đánh bắt hải sản, anh sẽ  có một số tiền mang về cho vợ.

 

Tuy nhiên chị Tình thì không đồng ý, chị sợ đánh bắt hải sản sẽ tạo nghiệp sát sanh và bị hộ pháp quở, thêm nữa biển cả bao la rất nguy hiểm, gió, bão, sóng thần, lốc mà ập đến thì vô phương mà thoát chết nên chị ngăn cản chồng, không muốn chồng đi biển lần này.

 

Tuy nhiên Anh Sang vẫn nhất mực kiên quyết đòi ra biển, mặc cho vợ ngăn cản, khuyên can.

 

Trong những ngày anh Sang cùng bạn bè, người bà con ra biển đánh bắt hải sản thì chị Tình ở nhà rất nóng ruột, chị lo lành ít dữ nhiều, nên ngày nào chị Tình cũng đọc 3, hoặc 4 chương của kinh Lăng Nghiêm, rồi khấn tên tuổi của chồng, cầu xin chư Phật chư bồ tát phù hộ cho anh ra biển bình an vô sự và có thể sớm quay về nhà.

 

 Trong những ngày đầu thì biển đẹp,  và đoàn của anh Sang cũng đánh bắt được nhiều hải sản. 

 

Anh Sang thấy khoan khoái và cảm giác rất thú vị, nếu mà nghe lời vợ anh thì anh đâu có được cảm giác thú vị như hiện nay.

 

Tới ngày thứ tư thì biển động và tàu cá bị chìm, 7 ngư dân đi cùng đoàn với anh Sang bị mất tích.

 

Còn Anh Sang thì thấy bỗng đâu có 1 khúc gỗ trôi trước mặt mình và anh ôm khúc gỗ bơi rất dễ dàng, một hồi thì anh kiệt sức và nghĩ là mình sắp chết vì đói và lạnh.

 

Rồi anh thiếp đi, trong giấc mơ anh thấy cuốn kinh Lăng Nghiêm mà vợ anh hay đọc mỗi tối bị gió thổi nên cứ bay ra từng trang giấy.

 

Tỉnh dậy thì anh thấy mấy chú cảnh sát biển- đang chăm sóc mình, hỏi ra thì mới biết là trong lúc anh Sang kiệt sức sắp chết thì có tàu của cảnh sát biển đi qua và cứu anh.

 

Sau đó thì anh Sang được về với gia đình và khi sức khỏe đã tốt hơn thì anh đem chuyện giấc mơ thấy kinh Lăng Nghiêm của vợ kể cho chị Tình nghe.

 

Chị ấy kể lại là trong thời gian anh Sang đi thì chị thấy nóng ruột, khó thở và chị lo lắng nên chị có đọc Kinh Lăng Nghiêm chăm chỉ hơn để cầu nguyện cho anh.

 

Và từ đó thì anh Sang không dám mạo hiểm đi ra biển đánh bắt hải sản nữa, anh chỉ lo chăm chỉ làm thợ hồ và chăm sóc vợ con, thỉnh thoảng anh cũng phát nguyện đọc kinh Lăng Nghiêm, bản kinh đã có nhân duyên cứu sống anh 1 lần.

 

 ( chuyện của Phật tử Thiện Nhẫn)