Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2022

Thứ Năm, 10 tháng 2, 2022

KINH PHẬT NÓI VỀ SÁM HỐI KHI TRẢ LỜI XÁ LỢI PHẤT.

 KINH PHẬT NÓI VỀ SÁM HỐI KHI TRẢ LỜI XÁ LỢI PHẤT.

(BUDDHA PRONOUNCES THE REPENTANCE SUTRA IN RESPONSE TO SARIPUTRA)







-----000-----
-Dịch sang cổ văn: Pháp sư AN THẾ CAO ở Thế Kỷ 2.
-Bản dịch Việt ngữ này có tham khảo bản dịch của: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam NGUYÊN THUẬN.
----
Một thuở nọ, Đức Phật ở trên núi Kì-xà-quật (Gṛdhrakūṭa Mountain), gần thành Vương Xá (Rājagṛha), cùng với 1.250 vị Bhikṣu [bíc su] và 1.000 vị Bồ-tát.

Lúc bấy giờ, vị đệ tử trí tuệ đệ nhất là ngài Xá-Lợi-Phất (Sariputra), liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến ở trước Phật, hai gối quỳ, chắp tay và thưa hỏi Đức Phật rằng:

"Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào khởi tâm cầu Phật Đạo, nhưng ở đời trước đã làm ác thì họ phải nên sám hối như thế nào?"

Đức Phật bảo:

"Lành thay, lành thay, Xá-lợi-phất! Ông vì lo lắng cho hàng trời người nên mới khéo thưa hỏi như vậy."
Đức Phật bảo:

"Nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào muốn cầu A-la-hán, muốn cầu Bích-chi-phật, hay muốn cầu Phật Đạo, hoặc muốn biết những việc quá khứ cùng vị lai, thì ngày đêm sáu thời, họ hãy thường xuyên tắm gội, súc miệng sạch sẽ, mặc y phục chỉnh tề và chắp tay lễ bái mười phương chư Phật.
Rồi thành khẩn sám hối như vầy:

'Từ vô số kiếp cho đến nay, do bởi tham sân si, chẳng biết Phật Pháp Tăng và chẳng biết thiện ác, nên con đã trót tạo bao nghiệp ác.

Hoặc thân phạm nghiệp ác, ngữ phạm nghiệp ác, hay ý phạm nghiệp ác.

Hoặc khởi tâm muốn hại Phật, hủy báng Kinh Pháp, hay đánh đập chư Tăng.

Hoặc giết bậc A-la-hán hay giết hại cha mẹ.

Hoặc thân phạm ba nghiệp ác, ngữ phạm bốn nghiệp ác, hay ý phạm ba nghiệp ác.

Hoặc tự mình sát sanh, bảo người sát sanh, hay thấy kẻ khác sát sanh mà vui theo.

Hoặc tự mình trộm cắp, bảo người trộm cắp, hay thấy kẻ khác trộm cắp mà vui theo.

Hoặc tự mình lừa gạt, bảo người lừa gạt, hay thấy kẻ khác lừa gạt mà vui theo.

Hoặc tự mình nói đâm thọc, bảo người nói đâm thọc, hay thấy kẻ khác nói đâm thọc mà vui theo.

Hoặc tự mình mắng chửi, bảo người mắng chửi, hay thấy kẻ khác mắng chửi mà vui theo.

Hoặc tự mình nói dối, bảo người nói dối, hay thấy kẻ khác nói dối mà vui theo.

Hoặc tự mình ganh ghét, bảo người ganh ghét, hay thấy kẻ khác ganh ghét mà vui theo.

Hoặc tự mình tham lam, bảo người tham lam, hay thấy kẻ khác tham lam mà vui theo.

Hoặc tự mình chẳng tin sự thật, bảo người chẳng tin sự thật, hay thấy kẻ khác chẳng tin sự thật mà vui theo.

Hoặc tự mình chẳng tin rằng làm thiện gặp lành, làm ác gặp dữ, hay thấy kẻ khác làm ác mà vui theo.

Hoặc tự mình ăn cắp đồ vật từ chùa tháp hay tài vật của chư Tăng, bảo người ăn cắp, hay thấy kẻ khác ăn cắp mà vui theo.

Hoặc tự mình chiếm lời người khác, bằng cách dùng thùng chứa nhỏ hay thước đo ngắn, hoặc với thùng chứa lớn hay thước đo dài, hoặc thấy kẻ khác chiếm lời mà vui theo.

Hoặc tự mình cố ý trộm cắp, bảo người cố ý trộm cắp, hay thấy kẻ khác cố ý trộm cắp mà vui theo.

Hoặc tự mình tạo tội ác ngỗ nghịch, bảo người tạo tội ác ngỗ nghịch, hay thấy kẻ khác tạo tội ác ngỗ nghịch mà vui theo.

Những nghiệp như vậy, khiến con đã luân hồi trong năm đường.
Có lúc đọa địa ngục.
Có lúc làm ngạ quỷ.
Có lúc thác vào chốn bàng sanh.
Có lúc sanh trong cõi trời hay nhân gian.

Những nghiệp ác đã tạo ở trong năm đường như là : bất hiếu cha mẹ, bất hiếu sư phụ, bất kính bạn tốt, bất kính Đạo Nhân, hay bất kính người lớn tuổi.

Khinh miệt cha mẹ, khinh miệt sư phụ, khinh miệt người cầu Đạo A-la-hán, hay khinh miệt người cầu Đạo Bích-chi-phật.

Hoặc phỉ bang, ganh ghét họ, thấy Phật Đạo thì nói là sai, thấy đường ác thì nói là đúng, thấy chánh thì nói là tà, hay thấy tà thì nói là chánh.

Con nay xin sám hối tất cả nghiệp ác đã tạo và cầu mong mười phương chư Phật hãy thương xót, khiến con ở đời này và những đời sau sẽ không bao giờ tái phạm các nghiệp tội như thế.

*VÌ SAO CON CẦU MONG MƯỜI PHƯƠNG CHƯ PHẬT HÃY THƯƠNG XÓT?

-Bởi chư Phật có thể nhìn xuyên và nghe thấu tâm con.

Con không dám ở trước Phật mà dối gạt hay che giấu.
Từ nay về sau, con sẽ không bao giờ tái phạm.'"
Phật bảo ngài Xá-lợi-phất:

"Nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào không muốn đọa địa ngục, ngạ quỷ, hay bàng sanh, thì họ cần phải SÁM HỐI LỖI LẦM và không nên CHE GIẤU.

Sau khi đã thọ giới, họ không được làm ác nữa.

Nếu không muốn sanh vào chốn biên địa--nơi chẳng có Phật Pháp Tăng, nơi chẳng có lý lẽ và nơi chẳng có phân biệt thiện ác, thì họ cần phải SÁM HỐI LỖI LẦM và không nên CHE GIẤU.

Nếu không muốn ngu si hay mù điếc câm ngọng, hoặc không muốn sanh vào nhà làm nghề mổ giết, đánh cá, săn bắn, gác ngục, hay gia đình bần cùng, thì họ cần phải sám hối lỗi lầm và không nên che giấu.

Nếu người nữ nào muốn chuyển sanh làm thân nam, thì họ cần phải sám hối lỗi lầm.

Nếu ai muốn đắc Quả Nhập Lưu và không bao giờ còn đọa địa ngục, ngạ quỷ, hay bàng sanh, thì họ cần phải sám hối lỗi lầm.

-Nếu ai muốn đắc Quả Nhất Lai và sanh lên trời, hoặc muốn đắc Quả Bất Hoàn và sanh lên 24 cõi trời, hoặc muốn đắc Đạo A-la-hán và vào niết bàn, hoặc muốn đắc A-la-hán và trụ ở thế gian, hoặc muốn đắc Đạo Bích-chi-phật, hay muốn biết những việc quá khứ cùng vị lai, thì họ cần phải SÁM HỐI LỖI LẦM và không nên CHE GIẤU."
Phật bảo ngài Xá-Lợi-Phất:

"Ở ba thời mỗi ngày, các thiện nam tử và thiện nữ nhân hãy đảnh lễ chư Phật hiện tại trong mười phương.

Đó là bởi mười phương chư Phật đều dùng Chánh Pháp để giáo hóa hết thảy chúng sanh làm thiện, ví như ánh sáng của mặt trời và mặt trăng chiếu soi đến tất cả.


Phật thuyết Kinh giảng Đạo thấm nhuần chúng sanh, ví như trời mưa làm trăm loại hạt và cỏ cây đều tươi tốt.

Phật thuyết Kinh giảng Đạo thấm nhuần chúng sanh, để khiến họ sanh làm vua chúa, sanh lên trời Tứ Thiên Vương và cho đến trời Tam Thập Tam để thọ hưởng vui sướng giàu sang.

Phật cũng khiến cho họ đắc Quả Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, hay Đạo A-la-hán.

***Các thiện nam tử và thiện nữ nhân nên thỉnh cầu mười phương chư Phật lắng nghe lời nguyện của họ rằng:

'Hết thảy mọi việc thiện của tất cả hàng trời người và cho đến các loài sâu bọ, như là bố thí, tinh tấn tu Đạo, đọc Kinh trì giới, từ tâm tưởng niệm chúng sanh, làm vô lượng việc lành, cúng dường Bồ-tát và chư Tăng, hay bố thí cho kẻ khốn cùng và thậm chí khởi lòng thương xót động vật, con đều khuyên họ làm thiện và con cũng xin tùy hỷ.

Những ai đã được chư Phật quá khứ giáo hóa để đạt đến niết bàn, con đều xin tùy hỷ.

Những ai sẽ được chư Phật vị lai giáo hóa làm thiện, rời xa năm đường ác của sanh tử, cho đến khiến họ đắc Đạo A la hán và Bích-chi-phật, con đều khuyên họ làm thiện và con cũng xin tùy hỷ.

-Những ai đang được chư Phật hiện tại ở mười phương giáo hóa làm bố thí, đọc Kinh trì giới, từ mẫn chúng sanh và cho đến các loài sâu bọ, làm cho họ đều thoát khỏi địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh, ngu si bần cùng, và thậm chí khiến họ đắc Quả Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, Đạo A-la-hán, Đạo Bích-chi-phật, hoặc Niết bàn, con đều khuyên họ làm thiện và con cũng xin tùy hỷ.

Chư Bồ-tát ở quá khứ đã phụng trì và tu hành Bố Thí Độ, Trì Giới Độ, Nhẫn Nhục Độ, Tinh Tấn Độ, Thiền Định Độ và Diệu Tuệ Độ, con khuyên họ tùy hỷ về sự hành trì Sáu Độ và con cũng xin tùy hỷ.

Chư Bồ-tát ở vị lai sẽ phụng trì và tu hành Sáu Độ, con khuyên họ tùy hỷ và con cũng xin tùy hỷ.

Chư Bồ-tát ở hiện tại đang phụng trì và tu hành Sáu Độ, con khuyên họ tùy hỷ và con cũng xin tùy hỷ.

Hết thảy bao phước đức có được, con xin bố thí đến chúng sanh khắp mười phương--hàng trời, người, cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp, và cho đến các loài sâu bọ với hai chân, bốn chân, hay nhiều chân--khiến họ sẽ thành Phật hoặc đắc Đạo Bích-chi-phật.

Sự hồi hướng của con gấp hơn trăm lần, ngàn lần, vạn lần và ức lần so với việc lấy vàng bạc và vật báu đầy khắp bốn đại thành để làm bố thí.'"
Phật bảo ngài Xá-Lợi-Phất:

"Ngày đêm sáu thời, nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào lễ bái mười phương chư Phật và nguyện rằng:

'NGƯỠNG MONG CHƯ PHẬT HÃY LẮNG NGHE LỜI NGUYỆN CỦA CON.

Sau khi thành Phật, giả sử mười phương chư Phật không muốn tuyên giảng Kinh Pháp, con đều thỉnh chư Phật thuyết Pháp cho hàng trời, người và cho đến các loài sâu bọ, làm cho họ đều thoát khỏi địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh, ngu si bần cùng và thậm chí khiến họ đắc Đạo Niết bàn.

Giả sử mười phương chư Phật muốn vào Bát-niết-bàn, con tha thiết thỉnh cầu chư Phật chớ vào Bát-niết-bàn, mà hãy trụ thế gian để hàng trời người và cho đến các loài sâu bọ được phước lợi, khiến họ đều thoát khỏi địa ngục, ngạ quỷ, và bàng sanh.'"

Phật bảo ngài Xá-Lợi-Phất:

"Vào thuở xưa, lúc vẫn còn là một vị Bồ-tát, ta luôn tha thiết thỉnh cầu chư Phật thuyết Pháp và chớ vào Bát-niết-bàn.
Cho nên khi thành Phật, Trì Quốc Thiên Vương và Năng Thiên Đế từ cõi trời hạ xuống, chắp tay đảnh lễ, và tha thiết thỉnh cầu Ta thuyết Pháp cho vô số hàng trời người và chớ vào Bát-niết-bàn."
Phật bảo ngài Xá-Lợi-Phất:

"Muôn loại chúng sanh như thế.
Nếu ai làm thiện, thì được phước lành.
Nếu ai làm ác, thì gặp tai ương."

Ngài Xá-Lợi-Phất bạch Phật rằng:

"Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào muốn cầu Phật Đạo, thì họ phải lập nguyện như thế nào để chứng đắc?"

Đức Phật bảo:

"Ngày đêm sáu thời, nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào lễ bái mười phương chư Phật và nguyện rằng:

'Ngưỡng mong mười phương chư Phật hãy lắng nghe lời nguyện của con.

Hết thảy bao phước đức có được từ vô số kiếp cho đến nay, như là bố thí, thọ trì Kinh Pháp, gìn giữ niệm thiện, hoặc làm lợi ích lành cho Phật Pháp Tăng, người thế gian, hay làm lợi ích lành cho động vật.
Nếu ai làm thiện thì được phước lành.
Ai làm ác thì gặp tai ương.
Con nay xin sám hối nghiệp ác đã tạo.
Con nguyện đọc Kinh trì giới và chẳng dám hủy phạm, hoặc là thọ giới không gần gũi phụ nữ, thỉnh chư Phật và Bồ-tát làm lợi ích cho chúng sanh, hay tha thiết thỉnh cầu chư Phật chớ vào Bát-niết-bàn (parinirvāṇa).

Hết thảy bao phước đức có được từ khi học Đạo cho đến nay.
Tất cả đều tụ hội lại và với lòng từ mẫn, con xin bố thí đến chúng sanh khắp mười phương--hàng trời người, cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp và cho đến các loài sâu bọ--khiến họ đều được phước đức này.

Riêng con chỉ giữ một phần dư nhỏ để giúp con tuyên dương Phật Pháp.
Những ai chưa hóa độ, con sẽ hóa độ.

Những ai chưa giải thoát, con sẽ khiến giải thoát.
Những ai chưa đắc Niết bàn, con sẽ khiến đắc Niết bàn.'"
Phật bảo ngài Xá-Lợi-Phất:

"Giả sử tất cả nam nữ trong thế gian đều thành bậc A-la-hán hay Bích-chi-phật.

Và nếu lại có người cúng dường hết thảy các vị A-la-hán và Bích-chi-phật kia suốt 1.000 năm, thì phước của họ có nhiều chăng?"

Ngài Xá-Lợi-Phất thưa rằng:

"[Thưa Thế Tôn!] Cúng dường cho một vị A-la-hán hay Bích-chi-phật chỉ một ngày thôi, thì phước đó là vô lượng rồi.
Hà huống là cúng dường cho tất cả các vị A-la-hán và Bích-chi-phật ở thế gian suốt 1.000 năm."

Đức Phật bảo:

"Thế nhưng, sự cúng dường cho tất cả các vị A-la-hán và Bích-chi-phật ở thế gian suốt 1.000 năm, thì vẫn không thể sánh với sự đọc tụng KINH SÁM HỐI LỖI LẦM này chỉ một lần ở ngày đêm sáu thời.

Phước đức có được ấy còn gấp hơn trăm lần, ngàn lần, vạn lần và ức lần so với sự cúng dường cho tất cả các vị A-la-hán và Bích-chi-phật."

Thứ Tư, 9 tháng 2, 2022

MỘT LÀ LỄ KÍNH CHƯ PHẬT

 

-HT. Tuyên Hóa giảng-




 

« MỘT LÀ LỄ KÍNH CHƯ PHẬT » :

Chúng ta không phải chỉ đảnh lễ đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hoặc Phật A Di Đà.

Mà một cái lễ lạy, tức là tất cả lễ lạy, một vị Phật, tức là tất cả vị Phật;

Lễ một vị Phật, tức là lễ tất cả vị Phật.

Lễ tất cả vị Phật, tức là lễ một vị Phật.

Lễ tất cả vị Phật, mà chẳng chấp tất cả vị Phật.

Lễ một vị Phật, cũng chẳng chấp một vị Phật, hành thật tướng bình đẳng lễ, tuy lễ tất cả vị Phật, hoặc một vị Phật, nhưng chẳng chấp vào hình tướng.

Chẳng phải nói : « Công đức của tôi rất lớn, vì tôi lạy nhiều vị Phật, những người khác chẳng tu hành giống như tôi », lạy Phật đừng có chấp tướng.

Lễ kính chư Phật, phải chăng chư Phật cần chúng ta lễ kính ?

Chúng ta lễ Phật, thì Phật cũng là Phật.

Chúng ta chẳng lễ Phật, thì Phật cũng vẫn là Phật.

Chứ chẳng phải chúng ta lễ Phật, thì Phật được nhiều lợi ích hơn một chút, lớn hơn một chút;

 

Còn chúng ta chẳng lễ Phật, thì Phật chẳng được lợi ích, cũng nhỏ hơn một chút.

Chúng ta lễ Phật, là đem hết lòng cung kính của chúng ta, đối với phần của Phật cũng chẳng tăng, chẳng giảm, cho nên lễ Phật đừng chấp trước.

« HAI LÀ KHEN NGỢI NHƯ LAI » :

Tại sao phải khen ngợi Như Lai ?

Như Lai cũng chẳng cần người khen ngợi, chẳng giống như chúng ta, bạn khen ngợi họ, thì họ vui mừng lắm, lỗ mũi cũng cười, con mắt cũng cười.

Bạn chẳng khen ngợi họ, thì con mắt của họ sẽ nổi giận, lỗ mũi cũng nổi giận.

Nếu như thế thì Phật với người chẳng có sự phân biệt, vậy chúng ta không cần lạy Phật, cũng chẳng cần khen ngợi Phật.

Tại sao ?

VÌ NGÀI VẪN GIỐNG NHƯ PHÀM PHU, SAO CHÚNG TA LẠI PHẢI LẠY NGÀI, SAO PHẢI KHEN NGỢI NGÀI ?

Vậy Ngài không cần người khen ngợi Ngài, tại sao chúng ta vẫn muốn khen ngợi Ngài ?

Đây chẳng phải là mâu thuẫn chăng ?

Đây chẳng phải là mâu thuẫn, chúng ta khen ngợi Phật, thì đối với tự tánh của chúng ta có công đức.

Có công đức gì ?

Trong tự tánh của mỗi người đều có quang minh.

Nếu bạn khen ngợi Phật, thì ánh sáng của bạn sẽ hiện ra, chiếu phá đen tối của bạn.

Bạn khen ngợi công đức của Phật, thì trong vô hình khiến cho bạn sẽ không tạo tội nghiệp, sẽ không khởi vọng tưởng.

Bạn bớt khởi một chút vọng tưởng, thì trí huệ quang minh của bạn sẽ hiển lộ ra nhiều một chút. Tại sao người tu hành sợ khởi vọng tưởng ?

Vì khởi một vọng tưởng, thì làm cho tự tánh nhiễm phủ một lớp đen tối.

Chẳng khởi vọng tưởng, thì tự tánh quang minh sẽ hiển lộ ra.

Khi khen ngợi Phật, trong tâm hoan hỉ Phật, thì trí huệ quang minh hợp với Phật, tự tánh quang minh cũng theo đó mà hiển hiện ra.

 

THẾ NÀO LÀ KHEN NGỢI NHƯ LAI ?

Ví như : « Thiên thượng thiên hạ vô như Phật » :

Trên trời dưới nhân gian, chẳng có vị Bồ Tát, Bích Chi Phật, A La Hán, vị Thần nào, có thể sánh với Phật được.

« Thập phương thế giới diệc vô tỉ » :

Chẳng riêng gì trên trời, dưới nhân gian, chẳng có ai bằng Phật, mà trong mười phương thế giới, cũng chẳng có ai bằng Phật được.

Thế giới nầy của chúng ta có châu Mỹ, châu Phi, châu Á, châu Âu, châu Úc, năm châu lớn, nhưng chẳng có một người nào trên thế giới, cũng như trong mười phương vô lượng vô biên các thế giới.

Hiện nay con người có thể dùng hoả tiễn đi đến mặt trăng, mặt trăng có thể nói là một thế giới khác, chỉ bất quá là một thế giới nhỏ.

Con người và vạn vật trong mười phương thế giới, tuy rất nhiều, nhưng cũng không thể nào bằng Phật được.

« HẾT THẢY THẾ GIAN TA THẤY HẾT”: Hết thảy tất cả thế giới này, ta đều nhìn thấy hết.

« TẤT CẢ KHÔNG CÓ AI NHƯ ĐỨC PHẬT » : Tất cả chẳng có ai có thể sánh với Phật được. Lại nói :

« PHẬT A DI ĐÀ THÂN SẮC VÀNG » : Thân của đức Phật A Di Đà, giáo chủ cõi tây phương Cực Lạc thế giới, là màu vàng ròng.

« TƯỚNG TỐT QUANG MINH CHẲNG AI BẰNG » :

Ba mươi hai tướng và tám mươi vẻ đẹp của Ngài, quang minh chiếu khắp, chẳng có ai có thể sánh với Ngài được.

« TƯỚNG BẠCH HÀO UYỂN CHUYỂN NHƯ TU DI » : Tướng hào quang trắng giữa lông mi của Phật A Di Đà, uyển chuyển như núi Tu Di.

« Mắt Phật xanh biếc như nước bốn biển » : Mắt của Phật A Di Đà xanh biếc như nước bốn biển.

« Trong quang minh có vô số hoá Phật » : Trong quang minh của Phật A Di Đà, hoá ra vô lượng vô biên chư Phật.

« Hoá Bồ Tát cũng nhiều vô biên » : Ngài lại hoá ra rất nhiều Bồ Tát, chẳng những có hoá Phật, mà còn có hoá Bồ Tát, hoá Thanh Văn, Duyên Giác và sáu nẻo chúng sinh, vô lượng vô biên.

« Bốn mươi tám nguyện độ chúng sinh » : Phật A Di Đà có bốn mươi tám đại nguyện, để độ thoát tất cả chúng sinh.

« Chín phẩm sen vàng lên bờ giác » : Hoa sen phân ra làm chín phẩm, mỗi một phẩm lại phân ra chín phẩm, tổng cộng tám mươi mốt phẩm, tám mươi mốt phẩm hoa sen nầy, đều tiếp dẫn chúng sinh đến Niết Bàn bờ bên kia,

Đây là một bộ phận tán thán Như Lai, cho nên thứ hai tu công đức tức là phải tán thán Như Lai. « Như Lai » :

Trong Kinh Kim Cang có nói :

« Bậc Như Lai, chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu, nên gọi là Như Lai ».

Như là tĩnh, Lai là động.

Như Lai có thể nói giống như đã đến rồi, nhưng bản thể của Ngài chẳng động. Lai - Chẳng từ đâu đến, đi - chẳng đi về đâu.

Như là lý,

Lai là sự,

Đây cũng là cảnh giới lý sự vô ngại của bản Kinh,

bản Kinh có lý pháp giới, sự pháp giới, lý sự vô ngại pháp giới, sự sự vô ngại pháp giới.

Như Lai là cảnh giới lý sự vô ngại, cũng là một trong mười danh hiệu của Phật.

« BA LÀ RỘNG TU CÚNG DƯỜNG » :

Rộng là rộng lớn.

Tu tức là phải thực hành, tu hành cúng dường rộng lớn,

Cúng dường có rất nhiều thứ như :dùng thân cúng dường, dùng tâm cúng dường, cùng thân- tâm để cúng dường.

*THẾ NÀO GỌI LÀ DÙNG THÂN CÚNG DƯỜNG ?

Giống như hai chúng đệ tử xuất gia, đây tức là dùng thân cúng dường chư Phật, dùng thân làm Phật sự, tu hành Phật pháp.

Chẳng những dùng thân để cúng dường, cũng có thể nói dùng tâm để cúng dường, dùng chân tâm để tu hành Phật pháp.

-Hằng ngày lễ lạy Phật, tụng kinh, niệm niệm không quên, đều hoan hỉ tu hành Phật pháp,

Đây gọi là thân- tâm cúng dường.

Cũng có dùng thân cúng dường, tức là một số người tại gia không thể chánh thức xuất gia, hoặc trong sự bận rộn họ đến Chùa lạy Phật, thắp hương lạy Phật.

Đây gọi là THÂN CÚNG DƯỜNG, hoặc thân chẳng đến, bận rộn chẳng có thời gian, mỗi ngày ở tại nhà thành tâm thắp lên bàn Phật một cây nhang, cúi đầu lễ Phật, lạy Phật, hoặc quán tưởng lạy Phật.

Đây gọi là tâm cúng dường. Hoặc dùng hương, hoa, để cúng dường, hoặc ở trước bàn Phật thắp đèn lên để cúng dường.

Hoặc mua trái cây cúng Phật, hoặc đốt đèn cầy lên cúng Phật, hoặc dùng y mới để cúng dường Phật .v.v…

« RỘNG TU CÚNG DƯỜNG », vốn có mười thứ cúng dường,

Mười thứ cúng dường biến thành trăm thứ cúng dường,

Trăm thứ cúng dường biến thành ngàn thứ, vạn thứ cúng dường.

Khi chúng ta cúng dường một vị Phật, thì ở trước một vị Phật, chúng ta quán tưởng cúng dường vô lượng vô biên chư Phật khắp pháp giới.

ở trước mỗi vị Phật đều có thân của chúng ta đang cúng dường.

Bạn quán tưởng như thế gọi là cúng dường pháp giới.

Cúng dường pháp giới, thì cũng sẽ thành tựu công đức pháp giới.

Thành tựu công đức pháp giới, thì đắc được trí huệ pháp giới, bạn đắc được TRÍ HUỆ PHÁP GIỚI, thì viên thành quả vị pháp giới.

Cho nên, rộng tu cúng dường, tức là tận hết sức lực của bạn, để cúng dường Phật Pháp Tăng Tam Bảo.

« BỐN LÀ SÁM HỐI NGHIỆP CHƯỚNG » :

Sám là ăn năn những lỗi lầm đã tạo trước kia.

Hối là hối cải không làm nữa.

Sám là sửa đổi những tội lỗi đã phạm trước kia.

Hối là sau này không làm những tội lỗi đã phạm trước kia.

Đó là việc ác đã sinh, nay chấm dứt.

Việc ác chưa sinh, nay không sinh ra nữa.

Hối cũng là việc thiện đã sinh, nay làm cho tăng trưởng, việc thiện chưa sinh, nay khiến cho sinh ra.

Nghiệp có rất nhiều thứ, nghiệp chướng là một trong ba chướng.

Ba chướng là nghiệp chướng, báo chướng, phiền não chướng.

Hiện tại nói về sám hối nghiệp chướng, tức cũng là sám hối báo chướng, cũng là sám hối phiền não chướng.

Nghiệp chướng có ba thứ :

Thân nghiệp, miệng nghiệp, ý nghiệp.

Thân nghiệp tạo ra gồm có giết hại, trộm cắp, tà dâm.

Giết hại : Thô thì giết hại những sinh vật lớn, như giết bò, dê, heo v.v… Tế, thì giết hại những sinh vật nhỏ, như giết kiến, muỗi, ruồi v.v…

Ngoài thô và tế ra, còn có cố ý giết, trong tâm muốn giết, tuy chưa hành động, nhưng trong tánh giới thì đã phạm giới rồi.

Trong tánh không nên giết, mà trong tâm động niệm giết, về Bồ Tát giới thì đã phạm giới giết hại.

Trộm cắp cũng như thế, lớn thì trộm chiếm nước khác, nhỏ thì trộm đồ vật của người khác.

Tóm lại, người ta không cho mà lấy là trộm.

Nghiệp dâm, cũng có lớn, có nhỏ, có thô, có tế, cho đến trong tâm khởi niệm dâm, thì trong tự tánh chẳng thanh tịnh.

Ý có ba điều ác : Tham, sân, si.

Miệng có bốn điều ác : Nói dối, thêu dệt, hai lưỡi, chửi mắng.

Thuở xưa đã tạo đủ thứ tội nghiệp, cho nên hiện tại chúng ta phải phát tâm sám hối.

Đã tạo lỗi lầm, thì về sau đừng tái phạm nữa;

 

những điều ác chưa làm, thì đừng khiến cho nó sinh ra.

Đây gọi là sám hối nghiệp chướng.

Sám hối như thế nào ?

THÌ PHẢI Ở TRƯỚC PHẬT ĂN NĂN HỐI CẢI, KHÓC LÓC RƠI LỆ, DÙNG CHÂN TÂM SÁM HỐI, THÌ NGHIỆP CHƯỚNG TỰ NHIÊN SẼ TIÊU TRỪ.

Do đó có câu :

« Di thiên đại tội, nhất sám liền tiêu »,

Nghĩa là :

« DÙ TỘI CÓ LỚN, SÁM HỐI SẼ TIÊU TRỪ ».

« NĂM LÀ TUỲ HỈ CÔNG ĐỨC » :

Tuỳ là tuỳ theo, hỉ là hoan hỉ, công là lập công, đức là làm đức hạnh.

Tuỳ hỉ, cũng kêu người khác tuỳ hỉ chính mình để làm công đức, chính mình cũng tuỳ hỉ người khác làm công đức.

Bạn muốn sám hối nghiệp chướng, thì nhất định phải tuỳ hỉ công đức, làm đủ thứ công đức.

Bạn sám hối nghiệp chướng của chính mình, hoặc không thể nhứt thời tiêu trừ hết, nên càng phải làm nhiều công đức.

Tuỳ hỉ công đức tức là sám hối nghiệp chướng, sám hối nghiệp chướng, cũng tức là tuỳ hỉ công đức.

Tại sao thứ năm là tuỳ hỉ công đức ?

Vì thứ tư là sám hối nghiệp chướng.

Bạn muốn sám hối nghiệp chướng, thì nhất định phải thực hành tuỳ hỉ công đức thứ năm.

Tuỳ hỉ công đức là bao quát làm tất cả việc thiện, hết thảy công đức lành đều phải tuỳ hỉ, tội nghiệt lỗi lầm đừng làm.

Làm thế nào tuỳ hỉ công đức lành ?

Như có người đề nghị làm một việc gì đó có lợi ích cho người khác,

Đây gọi là lành (thiện).

Thế nào gọi là LẬP CÔNG ?

Công là việc công cộng, làm nhiều việc có ích cho đại chúng.

Bạn xem chữ công là công tác, thêm chữ lực, nghĩa là bạn phải bỏ chút sức lực, để làm việc công cộng, như làm đường xá, làm cầu.

Việc bạn làm, khiến cho mọi người đều được lợi ích, thì gọi là làm công.

Công có thể tồn tại, có hình tướng, một số người có thể thấy được,

Ai ai cũng đều biết việc đó là ai làm, như bạn xây bao nhiêu trường học, trường học có khắc tên của bạn, đây gọi là lập công.

Đức là làm được nơi tâm, việc bạn làm, khiến cho trong tâm hoan hỉ, gọi là đức.

Thứ đức hạnh này, một số người không nhất định biết.

Đức có phân ra hiển đức và mật đức.

Hiển đức là việc bạn làm, một số người đều rất vui mừng, hiển bày ra, mọi người đều biết hết.

Mật đức, tức là việc bạn làm, có lợi ích đối với mọi người, nhưng một số người không biết.

Ví như có thần thông rồi, trong vô hình đi trợ giúp hết thảy chúng sinh, mà họ đều không biết, đây gọi là mật đức.

Tuỳ hỉ công đức, là việc tốt mình làm được, nên khiến cho người khác tuỳ hỉ đến làm; còn việc tốt của người khác làm, bạn biết rồi, cũng nên tận hết sức lực của mình đi trợ giúp người khác, đây gọi là tuỳ hỉ công đức của người khác.

Tuỳ hỉ công đức, chẳng những tuỳ hỉ chính mình, mà cũng tuỳ hỉ người khác, cho đến tuỳ hỉ hết thảy chúng sinh pháp giới hoan hỉ làm việc công đức lành, bạn đều đi trợ giúp họ làm.

Lại có tuỳ hỉ công đức của Phật, công đức của Bồ Tát, công đức của Thanh Văn Duyên Giác, tuỳ hỉ công đức của tất cả chúng sinh.

Thế nào gọi là tuỳ hỉ công đức của Phật ?

Ví như giảng Kinh thuyết pháp, giáo hoá chúng sinh, đây tức là tuỳ hỉ công đức của Phật.

Đề xướng mọi người thực hành lục độ vạn hạnh, hành Bồ Tát đạo, đây là tuỳ hỉ công đức của Bồ Tát.

Đề xướng tu mười hai nhân duyên, đây là tuỳ hỉ công đức của Duyên Giác.

Bạn khiến cho tất cả mọi người tu pháp bốn đế, tức là tuỳ hỉ công đức của Thanh Văn.

Sáu nẻo chúng sinh tuỳ hỉ công đức trời người, tức là tu năm giới mười điều lành. Cho nên nói về tuỳ hỉ công đức thì vô cùng vô tận.

« SÁU LÀ THỈNH CHUYỂN BÁNH XE PHÁP » :

Thế nào là bánh xe pháp ?

Bánh xe có tác dụng thôi phục thiên ma ngoại đạo, khiến cho chánh pháp trụ lâu dài.

Sau khi đức Phật thành Phật rồi, ba lần chuyển bánh xe pháp bốn đế độ năm vị Tỳ Kheo.

Chuyển bánh xe pháp tức là thuyết pháp, như thỉnh Phật thuyết pháp, thỉnh Bồ Tát thuyết pháp, thỉnh Thanh Văn, Duyên Giác thuyết pháp, thỉnh A La Hán thuyết pháp, thỉnh hết thảy pháp sư thuyết pháp, đây đều gọi là thỉnh chuyển bánh xe pháp.

Như mỗi ngày giảng Kinh, có hai vị cư sĩ, hoặc pháp sư ra thỉnh pháp, đây gọi là thỉnh chuyển bánh xe pháp, đây là một trong mười hạnh nguyện Phổ Hiền.

CHUYỂN BÁNH XE PHÁP CÓ ÍCH LỢI GÌ ?

Trên thế gian còn người chuyển bánh xe pháp, thì ma vương không dám xuất hiện.

Nếu không còn ai chuyển bánh xe pháp, thì ma vương sẽ xuất hiện ra đời.

Công đức chuyển bánh xe pháp, là do bạn thỉnh pháp mà thành tựu, bạn sẽ có công đức, tức cũng là tuỳ hỉ công đức.

Chuyển bánh xe pháp có thể khai mở trí huệ của bạn.

Bạn thỉnh pháp sư vì mọi người thuyết pháp, thì đối với mọi người đều có lợi ích, đây tức là tuỳ hỉ công đức.

-Cho nên, mười đại nguyện liên kết với nhau, như muốn sám hối nghiệp chướng, thì phải tuỳ hỉ công đức.

Bạn muốn tuỳ hỉ công đức, thì phải thỉnh chuyển bánh xe pháp.

*Thỉnh chuyển bánh xe pháp, chẳng riêng gì giảng kinh thuyết pháp, phàm là làm tất cả mọi việc trong Phật giáo, có liên quan đến Phật giáo, đều gọi là chuyển bánh xe pháp.

-Như làm việc thu âm giảng kinh thuyết pháp, phiên dịch kinh điển, cho đến viết bài về Phật giáo có lợi ích cho mọi người, đều là thỉnh chuyển bánh xe pháp.

Hơn nữa như ĐỌC KINH, TỤNG KINH, LẠY KINH, THAM THIỀN ĐẢ TOẠ, đều là một phần trong thỉnh chuyển bánh xe pháp.

Cho nên thỉnh chuyển bánh xe pháp, chẳng phải riêng gì một việc giống nhau, phàm là tất cả mọi việc làm trong Phật giáo, việc có lợi ích cho Phật giáo, đều là thỉnh chuyển bánh xe pháp.

Chỉ cần bạn minh bạch, tức là thỉnh chuyển bánh xe pháp,

Nếu chẳng minh bạch, làm những việc đó cảm thấy quá khổ cực, quá mệt mỏi, đây gọi là sợ chuyển bánh xe pháp.

« BẢY LÀ THỈNH PHẬT Ở LẠI ĐỜI » :

Phật ra đời, ở lại đời, sau đó vào Niết Bàn.

Khi Phật ở lại đời, giống như thế gian có mặt trời, soi sáng thế gian.

Phật vào Niết Bàn, thì thế gian đen tối,

Do đó Bồ Tát Phổ Hiền phát đại nguyện muốn thỉnh Phật ở lại đời, thỉnh Phật đừng vào Niết Bàn, mãi mãi ở lại thế gian.

Phật thì hay làm mãn nguyện chúng sinh, nếu hết thảy chúng sinh đều thỉnh Phật ở lại đời, thì Phật sẽ không vào Niết Bàn.

Nếu chẳng thỉnh Phật ở lại đời, thì Phật giáo hoá những người đáng được giáo hoá, xong rồi sẽ vào Niết Bàn.

« TÁM LÀ THƯỜNG THEO PHẬT HỌC » :

Là luôn luôn theo Phật để học tập Phật pháp.

Phật pháp rất là bao la, nhưng học Phật pháp đừng sợ nhiều, học được nhiều, thì trí huệ càng nhiều.

Ví như tôn giả A Nan, tại sao trí nhớ của Ngài tốt ?

Do đó : « Phật pháp như biển cả, chảy vào tâm A Nan », vì tôn giả A Nan đời đời kiếp kiếp chú trọng về đa văn, cho nên trí nhớ của Ngài rất tốt.

Thường theo Phật học thì đừng giải đãi, đừng làm biếng, đừng hôn trầm, phải siêng tu giới định huệ, tiêu diệt tham sân si;

Bạn phải siêng tu giới định huệ, tiêu diệt tham sân si,

Đó tức là thường theo Phật học.

« CHÍN LÀ LUÔN THUẬN CHÚNG SINH » :

Luôn là luôn luôn, luôn luôn không đổi, thuận là thuận theo, thuận theo cảnh giới chúng sinh.

Luôn thuận chúng sinh, chúng sinh đều là điên đảo, phải chăng bạn luôn thuận chúng sinh điên đảo ?

Chúng sinh vốn chẳng có tri thức, nếu bạn luôn thuận chúng sinh chẳng có tri thức, thì phải chăng bạn đi vào con đường ngu si ?

Luôn thuận chúng sinh, là thuận tập quán của chúng sinh, và ở trong nghịch lưu cứu vớt họ ra, mới gọi là luôn thuận chúng sinh.

Vì chúng sinh đều là điên đảo, điên đảo tức là nghịch lưu.

Nếu bạn thuận chúng sinh, thì không thể thành Phật.

Nếu bạn muốn thành Phật, thì không thể thuận chúng sinh.

Tại sao Bồ Tát Phổ Hiền muốn luôn thuận chúng sinh ?

Tức là muốn ở trong dòng nghịch lưu, làm cho chúng sinh thuận theo và cứu vớt họ thoát ra.

Do đó :

« Ngược dòng phàm phu sáu trần, nhập vào dòng pháp tánh Thánh nhân », đây là luôn thuận chúng sinh.

Chúng sinh hoan hỉ tạo nghiệp, e rằng bạn cũng muốn tạo nghiệp chăng ?

Chúng sinh khởi hoặc, tạo nghiệp, thọ quả báo, nếu bạn theo chúng sinh khởi hoặc, tạo nghiệp, thọ quả báo, thì đó chẳng phải là chúng sinh chăng ?

Luôn thuận chúng sinh, tức cũng là luôn luôn độ chúng sinh không biết nhàm mỏi, khiến cho chúng sinh bỏ mê về giác.

Tức cũng là tu tinh tấn ba la mật, không chán ghét chúng sinh tạo tội, dù có chúng sinh tạo rất nhiều tội nghiệp, cũng không bỏ họ, không có tâm niệm rằng :

« Không độ họ, để họ đoạ địa ngục », nên dùng tâm từ bi hỉ xả để độ họ, đây mới là chân chánh tinh tấn ba la mật.

Khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu đạo tại nhân địa, thì ở trong núi tu bố thí tinh tấn ba la mật.

Một ngày nọ, trời đổ tuyết xuống quá nhiều.

 

Hết thảy mọi vật trên núi đều bị tuyết bao phủ hết.

Có một con hổ mẹ dẫn theo hổ con đi tìm thức ăn, nhưng tìm cách gì cũng chẳng có thức ăn, nhìn thấy hổ mẹ và hổ con sắp chết đói, đi cũng đi hết nổi.

Lúc đó đức Phật Thích Ca Mâu Ni tâm nghĩ :

« Tôi muốn đem thân này bố thí cho hổ đói, để họ ăn rồi, sẽ phát bồ đề tâm, thành vô thượng đạo ».

Phát nguyện đó rồi, Ngài bèn chạy đến chỗ hổ mẹ hổ con, xả thân cứu hổ.

 

Đây là một phần trong luôn thuận chúng sinh, đồng thời cũng là bố thí ba la mật, cũng là tinh tấn ba la mật.

Chúng ta luôn thuận chúng sinh là phải độ thoát chúng sinh, đưa chúng sinh ra khỏi đường mê, khiến cho chúng sinh thuận theo mình tu đạo, chứ chẳng phải là chạy theo chúng sinh.

« MƯỜI LÀ HỒI HƯỚNG KHẮP HẾT » :

Hồi là hồi lại, hướng là hướng tới;

Hồi là hồi vào bên trong, hướng là hướng ra bên ngoài.

Khắp là khắp cùng, hết thảy tất cả mọi việc, tất cả công đức, đều hồi hướng về chư Phật.

Trước hết phải hồi lại, sau đó hướng ra bên ngoài.

Tất cả tất cả đem phàm phu hồi hướng Thánh nhân, đem chúng sinh hồi hướng chư Phật.

Hồi phàm hướng Thánh, đây là hồi hướng; hồi chúng hướng Phật, đây là hồi hướng;

Hồi sự hướng lý, đây là hồi hướng; hồi tiểu hướng đại, đây là hồi hướng; hồi tự hướng tha, đây là hồi hướng.

Thế nào gọi là HỒI TỰ HƯỚNG THA ?

Ví như tôi đem công đức làm việc tốt, hồi hướng cho bạn bè của tôi, khiến cho họ cũng phát bồ đề tâm, thành vô thượng đạo.

Hồi sự hướng lý, tức là việc làm tuy là hữu hình, nhưng muốn hồi hướng lý, lý là vô hình, đem công đức hữu hình, hồi hướng về pháp giới vô hình.

Hồi tiểu hướng đại, là hiện tại tuy tôi là tiểu thừa, nhưng chẳng tu pháp tiểu thừa, mà tu tập pháp đại thừa.

Như chúng ta mỗi ngày giảng Kinh xong rồi, đều đọc bài kệ hồi hướng rằng :

« Nguyện đem công đức này

Trang nghiêm cõi Phật thanh tịnh

Trên đền bốn ân nặng

Dưới cứu ba đường khổ

Nếu có ai thấy nghe

Liền phát tâm bồ đề

Khi xả báo thân này

Đồng sinh về Cực Lạc”.

-Giảng Kinh là bố thí pháp, là bố thí thù thắng nhất.

 

có thể nói là lớn hơn công đức đem bảy báu ba ngàn đại thiên thế giới ra bố thí.

Tuy lớn như vậy, nhưng công đức đó tôi không cần, mà nguyện đem công đức giảng Kinh thuyết pháp này, để trang nghiêm cõi tịnh độ của mười phương chư Phật.

Trên báo đủ thứ ân trời đầt, quốc vương, cha mẹ, sư trưởng, dưới cứu địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, ba đường khổ.

Giả sử, có ai gặp được pháp hội giảng Kinh, nghe thấy được pháp này, thì mau phát bồ đề tâm.

Thân nầy hiện tại của chúng ta là báo thân, khi thân nầy không còn nữa, thì mọi người cùng nhau sinh về thế giới Cực Lạc.

Đây tức là hồi hướng.

Bồ Tát Phổ Hiền làm tất cả công đức, đều hồi hướng về chư Phật.

 KINH HOA NGHIÊM ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT

-Hòa Thượng Tuyên Hoá giảng giải-